Đó là Triển lãm Việt Nam Manufacturing Expo 2013 diễn ra tại Cung Văn Hóa (91 - Trần Hưng Đạo, Hà Nội) từ ngày 4/9 đến 6/9/2013 và Triển lãm Metalex - Nepcon Việt Nam 2013 tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TP.HCM) vào ngày 10-12/10/2013.
Ông Duangdej Yuaikwamdee, Phó tổng giám đốc Reed Tradex cho biết, cả hai sự kiện trên đều nhằm đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
| ||
Murata Boy được phát triển bởi Murata Manufacturing, thể hiện công nghệ cảm biến tiên tiến |
Hà Nội: Nền tảng cộng đồng
Theo ông Duangdej, Triển lãm Việt Nam Manufacturing Expo 2013 sẽ nhấn mạnh ý nghĩa “Nền tảng cộng đồng” bên cạnh việc trưng bày máy móc và công nghệ cho công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ.
Ông cho rằng, phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, ý chí kinh doanh và công nghệ là các yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đưa công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lên ngang tầm với tương lai đầy hứa hẹn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN khi chương trình hội nhập kinh tế khu vực này bắt đầu từ năm 2015.
Việt Nam Manufacturing Expo 2013 sẽ giới thiệu nhiều công nghệ chế tạo tiên tiến của hơn 200 công ty đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cùng với đó, là nhiều cơ hội kinh doanh, cơ hội mở rộng mối quan hệ với các đơn vị lớn, như Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội (HTPC), Sở Công thương Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE).
Được biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ quan trọng của Sở Công thương Hà Nội bao gồm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tạo hiệu ứng domino trong lĩnh vực sản xuất, tạo ra sản phẩm trung gian có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò hỗ trợ trong sản xuất công nghiệp.
Ông Duangdej cho biết, một nhóm 400 khách Nhật Bản sẽ đến Triển lãm Việt Nam Manufacturing Expo 2013 để tìm mua các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Đây là nhóm khách Nhật Bản lớn nhất đến với Việt Nam Manufacturing Expo tính đến thời điểm này.
Năm nay, Việt Nam Manufacturing Expo gồm 4 sự kiện ghép lại: Thứ nhất là triển lãm chính.
Thứ hai, Triển lãm Việt Nam - Nhật Bản về công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, nơi 54 công ty Nhật Bản trưng bày các phụ kiện mà họ hy vọng có thể đặt hàng từ Việt Nam và 53 công ty Việt Nam triển lãm sản phẩm của mình. Hàng trưng bày gồm các bộ phận và linh kiện xe ô tô, xe máy, điện - điện tử, sản phẩm nhựa và kim loại, vật liệu đóng gói.
Thứ ba, Triển lãm Công nghệ cao Nhật Bản. Tại đây, 45 công ty Nhật sẽ giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao trong các lĩnh vực khác nhau và các robot, nhằm kỷ niệm 40 năm thành lập quan hệ hữu nghị Nhật - Việt.
Thứ tư, Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hứa hẹn là cầu nối cho các nhà sản xuất phụ tùng trong nước gặp gỡ, trao đổi với các khách mua hàng nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận bí quyết công nghệ với nước ngoài.
TP. HCM: Triển lãm công nghiệp hỗ trợ “3 trong 1”
Được gọi là Metalex - Nepcon Việt Nam 2013, nhưng triển lãm này gồm 3 sự kiện: Triển lãm Việt Nam - Nhật Bản cho công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM, Metalex và Nepcon Việt Nam. Ba sự kiện có sự tham gia của hơn 100 công ty Nhật Bản, chủ yếu là ngành ô tô, xe máy, linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp sản xuất.
Metalex Việt Nam là triển lãm thương mại máy công cụ và công nghệ kim loại. Trong khi đó, Nepcon sẽ tập trung vào công nghệ lắp ráp, đo lường và thử nghiệm để sản xuất thiết bị điện tử.
Ông Duangdej cho biết, Metalex - Nepcon Việt Nam 2012 đã đón gần 14.000 khách tham quan, tăng 30% so với năm 2011. Năm nay, tổng diện tích Triển lãm tăng 20% so với năm 2012 và là sự kiện Metalex Việt Nam lớn nhất về diện tích tính đến thời điểm hiện nay.
Cũng theo ông Duangdej, qua các năm, Metalex đã đóng góp vào sự phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, vì các sự kiện hằng năm này là sân chơi cho các giải pháp mới, khái niệm mới, xu hướng mới và ý tưởng mới. Năm nay, khoảng 500 thương hiệu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có mặt tại Triển lãm. “Sẽ có khoảng 200 thương gia Ấn Độ đến Triển lãm để tìm cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, 100 khách tham quan người Nhật từ Nhật Bản và Thái Lan sẽ đến Triển lãm, để tìm các sản phẩm cần mua”, ông Duangdej cho biết.
Tại sao lại là Nhật Bản?
JETRO, nhà đồng tổ chức cả hai triển lãm đã hợp tác với các cơ quan Việt Nam và các hiệp hội công nghiệp trong các năm qua, để tổ chức nhiều triển lãm và sự kiện khác nhau, nhằm thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Một nhiệm vụ khác của JETRO là xúc tiến đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Việt Nam.
Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc JETRO TP.HCM cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản tại Trung Quốc đang chuyển một số hoạt động đến Việt Nam, hoặc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu từ Việt Nam. Trong khi đó, các công ty Nhật ở Thái Lan cũng đang quan tâm đến Việt Nam, vì chi phí lao động tại Thái Lan đang tăng.
Theo ông Yasuzumi, xu hướng công ty Nhật tại Trung Quốc di chuyển đến các nước khác đã có từ lâu, nhưng gần đây, trở nên rõ ràng hơn, chủ yếu do chi phí lao động ở Trung Quốc đang tăng nhanh. Trong khi đó, xu hướng các công ty Nhật ở Thái Lan chuyển sang Đông Dương bắt đầu từ năm ngoái và vẫn tiếp tục. Họ đang tìm hiểu Việt Nam và nhiều dự đoán cho rằng, đầu tư của các công ty Nhật ở Việt Nam sẽ tăng.
Tuy nhiên, ông Yasuzumi nhấn mạnh, trở ngại lớn nhất cho các doanh nghiệp Nhật đang muốn đầu tư vào Việt Nam là công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa phát triển. Một điều tra của JETRO trong năm 2012 cho thấy, tỷ lệ mua nguyên liệu và phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ là 28%, thấp hơn nhiều so với 61% ở Trung Quốc và 53% ở Thái Lan.
Mới đây, tại lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược ngày 9/8 giữa Công ty Kỹ nghệ lạnh Searefico (TP.HCM) với Taisei Oncho, một trong 10 công ty cơ điện lạnh công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, ông Yasuzumi phát biểu rằng, đây là một mô hình hợp tác mà các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư tại Việt Nam, vì vậy, nên tham khảo học hỏi.
Được biết, Taisei Oncho đầu tư vào Searefico để sở hữu 20% vốn của công ty này, nhằm mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Searefico cũng lên kế hoạch mở rộng kinh doanh đến Campuchia, Lào và Myanmar. Tuy nhiên, ông Duangdej cho rằng, cạnh tranh tại Myanmar sẽ rất khốc liệt, vì nước này dù chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng tham vọng của họ là phát triển công nghiệp hỗ trợ ngang với Thái Lan trong vòng 10 năm tới.
Cũng theo ông Duangdej, chỉ còn hơn 2 năm nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ thành hiện thực, nên Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Doanh nghiệp Việt Nam hiện không đầu tư đủ cho máy móc và công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá hết tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm. Chúng ta không được quên rằng, chất lượng là chìa khóa để cạnh tranh, chứ không phải giá cả”, ông Duangdej nói.
Tường Thụy