Doanh nghiệp
RMIT Việt Nam "bắt tay" SIHUB thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Kỳ Thành - 22/07/2018 09:08
RMIT Việt Nam và Saigon Innovation Hub (SIHUB) sẽ hợp tác đồng tổ chức các sự kiện và chương trình tập trung vào khởi nghiệp cũng như đổi mới sáng tạo trong nước và khu vực, đồng thời trao đổi các thông tin liên quan, chuyên môn và các nguồn lực sẵn có.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB và GS. Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam chúc mừng Biên bản ghi nhớ đã được ký kết

Đại học RMIT Việt Nam và SIHUB vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh và khu vực tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường.

Theo Biên bản ghi nhớ, RMIT Việt Nam và SIHUB sẽ hợp tác đồng tổ chức các sự kiện và chương trình tập trung vào khởi nghiệp cũng như đổi mới sáng tạo trong nước và khu vực, đồng thời trao đổi các thông tin liên quan, chuyên môn và các nguồn lực sẵn có.

Saigon Innovation Hub (SIHUB) chính thức thành lập tháng 8/2016 với sứ mệnh thúc đẩy và xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố khởi nghiệp đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn của SIHUB đến 2020 là hòa nhập vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên thế giới, trở thành điểm kết nối của Việt Nam với các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các khu vực và toàn cầu. Hiện tại, SIHUB đã kết nối và hợp tác với nhiều hệ sinh thái như: Thụy Sỹ, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Phần Lan, Canada, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Australia...

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB đánh giá, các trường đại học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở TP. Hồ Chí Minh.

“Các trường đại học có thể đóng góp vào sự phát triển này bằng việc thiết kế một hệ thống chuẩn mực hoạt động gồm đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng không gian và khu vực để nghiên cứu và tôn tạo sự nghiệp, cũng như thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một câu chuyện mới với nhiều trường đại học trong nước và khó để các trường này có thể hoàn thiện trong thời gian ngắn”, ông Tước nói.

Ông Tước hy vọng với tiềm lực, thế mạnh, cũng như đội ngũ giảng viên và nhân viên của trường, RMIT Việt Nam có thể là mô hình mẫu để SIHUB giới thiệu đến các trường đại học khác ở TP. Hồ Chí Minh.

“Từ mô hình mẫu của RMIT Việt Nam, chúng tôi có thể chia sẻ với các trường đại học khác về công tác tổ chức đào tạo khởi nghiệp trong trường đại học, cách hình thành các không gian, các hoạt động ươm tạo… và đặc biệt là cách thương mại hóa các kết quả nghiên cứu”, ông Tước chia sẻ.

Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng RMIT Việt Nam, cũng hết sức vui mừng với việc hợp tác chính thức này. Bà cho biết, RMIT thấy nhiều cơ hội mà chúng tôi có thể hỗ trợ cũng như học hỏi từ SIHUB.

Trao đổi về sơ đồ hành trình khởi nghiệp cho sinh viên RMIT Việt Nam, cũng như không gian kích hoạt khởi nghiệp Activator - nơi sinh viên có thể nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và những hoạt động sơ khởi, Giáo sư Gael McDonald cho biết, “Chúng tôi tạo ra một không gian vật lý thật sự, nhờ đó sinh viên có thể tập hợp theo nhóm để bàn thảo ý tưởng hoặc tìm nguồn hỗ trợ cho những ý tưởng mà các em khởi tạo. Chúng tôi còn có Chứng chỉ sau đại học - Khởi nghiệp kinh doanh gồm bốn môn học. Với chương trình này, sinh viên có thể học tập trung hoặc học vào cuối tuần, theo nhóm hay từng cá thể. Đối với những bạn muốn học sâu hơn, từng môn này đều có thể chuyển qua các chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Cấp quản lý) hay Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế hiện đang giảng dạy tại RMIT Việt Nam”.

Qua các hoạt động kể trên cũng như một số sáng kiến khác, Giáo sư McDonald tin tưởng rằng RMIT Việt Nam hiện đang ở vị thế tốt có thể hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho đất nước.

Tin liên quan
Tin khác