Một giờ học của sinh viên RMIT tại phòng giao dịch Chứng khoán ảo. |
Ứng dụng kỹ thuật số trong giáo dục
Đầu tháng 7 vừa qua, RMIT đã ra mắt Learning Lab Việt Nam - một trang web hỗ trợ học tập dành cho sinh viên RMIT và cả sinh viên từ các trường khác. Trang web được thiết kế với mục tiêu nâng cao năng lực học tập cho sinh viên đại học, đồng thời tạo điều kiện cho Bộ phận Hỗ trợ học thuật (SAS) của Trường mở rộng phạm vi hỗ trợ đến cộng đồng sinh viên lớn hơn.
Theo GS. Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam, ưu tiên của RMIT là quảng bá và hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số cũng như nội dung học liên quan đến các ngành nghề và trải nghiệm học tập gắn liền với công việc thực tế. Bên cạnh việc thay thế sách giáo khoa giấy bằng tài liệu học kỹ thuật số với nhiều định dạng khác nhau, RMIT còn đưa ra một số sáng kiến khác nhằm thúc đẩy trải nghiệm học ứng dụng kỹ thuật số.
Cụ thể, cho đến cuối năm 2016, RMIT đã chuyển 17 môn học trọng tâm thuộc các ngành học lớn sang hình thức học tích hợp, đảo ngược và truyền tải theo hình thức trực tuyến hoàn toàn. Trường cũng đã đầu tư vào không gian học mới (Phòng Thực hành thực tế ảo) nhằm xây dựng khả năng ứng dụng và sử dụng tăng cường thực tế ảo (AR) cũng như thực tế ảo (VR) cho sinh viên.
Nhấn mạnh việc ứng dụng kỹ thuật số là quy chuẩn của mọi môn học tại RMIT, GS. Gael McDonald cho biết, sinh viên của Trường có thể truy cập hệ thống quản lý học tập trực tuyến để hoàn tất bài tập cũng như xem thông tin về tiến độ, quy trình học của mình. Giảng viên cũng ứng dụng nhiều công nghệ giúp sinh viên có được những trải nghiệm học vươn xa khỏi phạm vi giảng đường.
COIL - dự án lớp học “xuyên lục địa” là một trong những ví dụ điển hình cho hoạt động này. Tận dụng ứng dụng Skype và mạng xã hội, 27 sinh viên ngành marketing tại RMIT Việt Nam đã cùng làm dự án kéo dài 4 tuần với nhóm 20 sinh viên ngành tài chính và kinh tế từ Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam.
Chia sẻ với cộng đồng
Với mong muốn góp phần bồi đắp năng lực giáo dục cho Việt Nam, giữa năm 2016, RMIT đã ra mắt Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng kỹ thuật số vào dạy và học với những người làm công tác giáo dục.
Với 3 định hướng chính: tác động của kỹ thuật số, đưa kỹ thuật số đến với mọi người và sáng tạo trong kỹ thuật số, sau 1 năm hoạt động, Trung tâm đã tổ chức hàng loạt buổi diễn thuyết mở được truyền tải bởi các chuyên gia quốc tế trong giảng dạy trực tuyến trên thiết bị di động và ứng dụng kỹ thuật số, cũng như các buổi hội thảo về ứng dụng kỹ thuật số vào lớp học cho hơn 240 giáo viên phổ thông và cán bộ, lãnh đạo ngành giáo dục ở tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM.
Ông Trần Đức Lợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng đánh giá, hội thảo đã mang đến cơ hội phát triển chuyên môn, tạo ảnh hưởng lên cách giảng dạy của giáo viên trung học của tỉnh, giúp ông và các đồng nghiệp hiểu sâu sắc hơn về ứng dụng kỹ thuật số trong giảng dạy.
Bên cạnh việc chia sẻ cách làm tốt nhất cho cộng đồng, RMIT còn ứng dụng kỹ thuật số qua chương trình RMIT Access, nhằm giúp sinh viên gặp khó khăn trong học tập liên quan đến thể chất và tinh thần có thể tiếp cận kiến thức tốt hơn.
Từ ngày 2/8 đến 5/8, RMIT Việt Nam hợp tác với Viện Khoa học cung cấp thông tin (Informing Science Institute) tại Mỹ tổ chức Hội nghị quốc tế InSITE 2017 lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam.
Hội nghị nhằm chia sẻ mô hình cung cấp thông tin khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin hay số hóa trong giảng dạy nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: https://www.informingscience.org