Tiêu dùng
Rolex, Patek Philippe, Chanel, Hermes, Louis Vuitton với chiến lược tạo "phiên bản giới hạn" hàng xa xỉ
Anh Hoa - 17/08/2021 08:38
Ngày càng có nhiều “ông lớn” trên thị trường hàng xa xỉ lao vào cuộc đua tạo ra những sản phẩm khan hiếm để thoả mãn cơn khát sưu tầm và đầu tư sinh lời của giới thượng lưu.
Siêu sao bóng đá Lionel Messi sưu tầm nhiều đồng hồ trị giá hàng chục tới trăm ngàn USD.      Ảnh: Rolex

Mức giá “siêu chát” hút tín đồ hàng hiệu

Trong lần đầu tiên ra mắt người hâm mộ ở Thủ đô Paris (Pháp), siêu sao bóng đá Lionel Messi (vừa gây xôn xao truyền thông với bản hợp đồng mới sẽ thi đấu cho đội Paris Saint Germain của Pháp) đã đeo chiếc đồng hồ Yacht-Master của Rolex. Đây là phiên bản đồng hồ thể thao bằng vàng 18ct mới nhất của Rolex, trị giá 26.000 USD (khoảng 600 triệu đồng).

Phiên bản Yacht-Master được coi là biểu trưng cho tinh thần thuỷ thủ được lấy cảm hứng từ những di sản phong phú đã kết nối Rolex với thế giới đi thuyền từ những năm 1950. Giống như hầu hết các mẫu Rolex khác, Yacht-Master là khoản đầu tư an toàn, thích đáng và đang tạo nên cơn sốt đối với giới sành điệu.

Trong khi đó, ở danh sách những túi hàng hiệu được liệt kê, các thương hiệu có giá trị đầu tư cao nhất luôn thuộc về Chanel, Hermes và Louis Vuitton. Chẳng hạn, hãng đồ xa xỉ Pháp Hermes tung ra cặp túi Birkin “ngày và đêm” phiên bản đặc biệt có giá 450.000 USD. Mỗi chiếc túi Birkin có giá bán lẻ 9.000-500.000 USD, nhưng giá trên thị trường đang cao hơn từ 50-100%, thậm chí một số chiếc thuộc phiên bản sưu tập có giá cao gấp 10 lần. 

Mỗi năm, Hermes chỉ sản xuất một số lượng rất hạn chế những chiếc túi Birkin. Việc mua được một chiếc Birkin trực tiếp từ Hermes là vô cùng khó khăn, thường chỉ những người nổi tiếng mới làm được, hoặc ít nhất khách phải là người có lịch sử mua sắm tại Hermes.

Giữa bối cảnh khá u ám vì Covid-19, Knight Frank nhận định, giới siêu giàu vẫn tiếp tục đầu tư cho túi xách xa xỉ. Giá trị của những chiếc túi này bình quân tăng khoảng 13% mỗi năm.

Cơn sốt mua những sản phẩm phiên bản giới hạn cũng xuất hiện trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B). Starbucks liên tục tung ra các sản phẩm phiên bản giới hạn đáng để các tín đồ đầu tư. Cuối tháng 4/2021, Starbucks bán ly phiên bản giới hạn trong ngày có tên Bling-out Mint nằm trong bộ sưu tập Happy Hedgehog. Chiếc ly thuộc dòng Studded (cốc có gai/đinh) này đã gây sốt trên toàn thế giới trước khi tới thị trường Việt Nam.

Tại Việt Nam, giá của sản phẩm Bling-out Mint là 490.000 đồng và để sở hữu chiếc ly này, nhiều người phải đến từ rất sớm, xếp hàng và chờ đợi đến lượt được mua. Một số người đã nhân cơ hội này để mua ly và bán lại với giá cao. Các bài viết trên mạng xã hội cho thấy, mức giá rao bán lại rơi vào khoảng 2 triệu đồng. Ngoài ra, một số người nhận đặt hàng sản phẩm từ nước ngoài về với giá 1,3 triệu đồng.

Mặc dù những dòng sản phẩm phiên bản giới hạn có mức giá “siêu chát”, nhưng luôn được các tín đồ hàng hiệu quan tâm đầu tư nhất. Chúng xuất hiện trong tất các lĩnh vực, trong đó có cả bất động sản.

Khoảng 5 năm trở lại đây, làn sóng đầu tư bất động sản phiên bản giới hạn từ giới thượng lưu châu Á đã lan sang Việt Nam. Đó là thời điểm Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam có hiệu lực từ năm 2015 và giới thượng lưu Việt Nam cũng tăng nhanh. Khi cầu lớn hơn cung, quỹ đất lại ngày càng khan hiếm trong giai đoạn 2018 - 2020, phân khúc này sẽ được “đốt nóng” trong vòng 10 năm tới.

Mới đây, chủ đầu tư Khu đô thị Louis City Hoàng Mai đưa ra giỏ hàng phiên bản giới hạn với 12 căn biệt thự đẹp nhất dự án có mức giá từ 125 triệu đồng/m2. Trước đó, Grand Mercure Hoi An cũng công bố quỹ sản phẩm giới hạn với chỉ 118 căn biệt thự thu hút giới thượng lưu.

Charm Resort Long Hải có 24 căn biệt thự hướng biển diện tích 300 m2, được thiết kế nổi bật và sang trọng trải dài trên 300 m bờ biển và bao xung quanh hồ bơi nước mặn. Những căn biệt thự biển phiên bản giới hạn tại Habana Island, thuộc Dự án NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đang tạo sức hút mãnh liệt.

Chiến lược khan hiếm của hãng sản xuất

Trở lại với những chiếc đồng hồ Rolex, giới mộ điệu đồng hồ trên thế giới đang gặp khó khăn khi muốn chạm tay vào các phiên bản giới hạn. Chúng trở nên đắt hơn so với năm 2020 và sự khan hiếm được xem như một chiến lược của Rolex.

Nhiều người nghĩ, sự khan hiếm xảy ra khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do thời kỳ đỉnh cao của đại dịch. Tuy nhiên, các đại lý đồng hồ cổ điển nổi tiếng trên thế giới cho rằng, những vấn đề xảy ra do đại dịch không là gì so với những xu hướng lớn hơn đang định vị lại trên thị trường đồng hồ cao cấp nói chung và Rolex nói riêng.

Rolex dường như đã thay đổi hoạt động kinh doanh theo cách giúp họ kiểm soát việc phân phối, cũng như phân loại ai có thể và ai không thể mua, ở cấp độ bán lẻ. Hãng chi phối mạnh các đối tác bán lẻ ủy quyền và đây là mắt xích quyết định khách hàng có thể sở hữu sản phẩm Rolex hay không.

Không phải Rolex đang thiếu đồng hồ để bán, mà mục đính của họ là tạo nên hình ảnh đồng hồ của hãng đang khan hiếm và nhu cầu rất cao, nên không kịp sản xuất. Thực tế, nhiều nguồn tin cho biết, mỗi năm, Rolex làm ra gần một triệu chiếc đồng hồ thủ công.

Rolex không phải hãng duy nhất áp dụng chiến lược khan hiếm, nhưng họ làm tốt hơn các thương hiệu khác. Trước đó, Hãng đồng hồ Patek Philippe cũng tuyên bố ngừng sản xuất mẫu đồng hồ Nautilus 5711/1A-010 mặt xanh dương khiến nhiều người hối tiếc, qua đó kích thích người hâm mộ mua phiên bản Nautilus 5711-1A-014 mặt số xanh ô-liu.

Vị CEO của Patek Philippe từng khẳng định việc không muốn tung ra thị trường quá nhiều sản phẩm cùng một phiên bản, bởi sẽ làm giảm giá trị của một sản phẩm và điều này hoàn toàn không tốt cho các nhà sưu tầm. Hơn nữa, đây cũng là cách để các thương hiệu tránh rủi ro bị “gắn chết” với một dòng sản phẩm duy nhất.

Thậm chí, ông chủ của Patek Philippe còn tạo độ khan hiếm bằng cách tiết lộ rằng, ngay cả những người thân trong gia đình mình cũng không thể sở hữu được những phiên bản giới hạn đó.

Khoản đầu tư hơn người của giới sành điệu

Luôn có sự khác nhau về thị hiếu của giới thượng lưu mỗi khu vực. Nếu ở châu Á, giới đầu tư hàng xa xỉ nhắm đến các phiên bản giới hạn của đồng hồ, phụ kiện, túi xách, trang sức, thì ở Bắc Mỹ, giới này lại thích tác phẩm nghệ thuật, ô tô cổ, rượu vang...

Năm 2020, tổng doanh số bán hàng của Sotheby (chuyên hoạt động đấu giá hàng xa xỉ trên toàn cầu) đã giảm 16% so với năm 2019, trong khi Christie’s (một nhà đấu giá hàng đầu khác) giảm 25%. Nhưng các giám đốc điều hành vẫn lạc quan, bởi thị trường này luôn linh hoạt và nhu cầu về chất lượng giữa các danh mục là không suy giảm. Các nhà đầu tư đã chuyển 70% hoạt động đấu giá và ra mắt sản phẩm sang hình thức trực tuyến.

Khi săn tìm và sở hữu những phiên bản giới hạn, người hâm mộ ngoài việc thoả mãn “cơn khát”, còn trở thành những nhà đầu tư hơn người. Giữa bối cảnh khá u ám vì đại dịch Covid-19, Knight Frank (công ty cố vấn đầu tư chuyên nghiên cứu thói quen tiêu dùng của giới siêu giàu, tức những cá nhân có trị giá tài sản tối thiểu hơn 30 triệu USD) nhận định, giới siêu giàu vẫn tiếp tục đầu tư cho túi xách xa xỉ. Giá trị của những chiếc túi này bình quân tăng khoảng 13% mỗi năm, sau khoảng 10 năm, thì con số là 108%.

Khi nghĩ đến đầu tư, lĩnh vực bất động sản với những căn hộ, biệt thự xa hoa thường là ý tưởng đầu tiên. Nhưng Knight Frank Luxury Investment Index tiết lộ, có nhiều thứ để đầu tư hơn là các ngôi nhà được xây dựng từ bê tông và gạch đá.

Trong thập kỷ qua, từ chai rượu whisky, bật lửa, túi xách, đồng hồ cho đến các tác phẩm nghệ thuật, kim cương có màu và đồ trang sức quý hiếm đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về hiệu suất đầu tư. Theo thời gian, những bộ sưu tập phiên bản đặc biệt, độc quyền có giá trị ngày càng tăng, có thể lên tới hàng tỷ USD.

Theo các “ông trùm” trong lĩnh vực đầu tư hàng xa xỉ, luôn có các khoản đầu tư tốt nhất mang lại lợi nhuận cao nhất từ thị trường này. Trong đó, đồ trang sức, kim cương và bất động sản có mức tăng tưởng đáng kinh ngạc 100% trong thập kỷ qua.

Chưa kể, khi độ khan hiếm của sản phẩm được đẩy lên cao là cơ hội cho thị trường đồ cũ phát triển rầm rộ. Chỉ riêng thị trường đồng hồ đã qua sử dụng có doanh thu lên tới 32 tỷ USD vào năm 2025 (theo báo cáo từ Công ty tư vấn McKinsey).

Lý do là phân khúc khách hàng đặc thù (hầu hết thuộc về các chính trị gia, ngôi sao, các nhà tài phiệt hoặc tầng lớp trung lưu nói chung) đang gia tăng trên thế giới. Ngoài ra, những sản phẩm này còn trở thành những tài sản đảm bảo cho tương lai, để khi công việc kinh doanh không thuận lợi, họ có thể dựa vào những sản phẩm đó để đảm bảo sinh lời “khủng”.

Tin liên quan
Tin khác