Tính tới cuối tháng 1/2024, tín dụng toàn nền kinh tế sụt giảm 0,6%. Tại nhiều ngân hàng TMCP, tín dụng tháng đầu năm giảm tới 2-3%.
"Hiện nay, room tín dụng dồi dào, ngân hàng thừa vốn song tín dụng lại giảm, nguyên nhân là do thiếu khách hàng vay. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa đủ để doanh nghiệp vay vốn kinh doanh", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng nhận định.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, trong tháng 1/2024, tín dụng của ngân hàng này sụt giảm 2,3% so với cuối năm 2023, tương ứng giảm 30.000 tỷ. Trong đó tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ đồng và tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân là trong tháng 1/2023, tín dụng tiêu dùng bất động sản tiếp tục đà suy giảm từ năm 2023 đến nay. Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân sụt giảm, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án bất động sản mới được cấp phép trong năm 2023 ít, các vướng mắc pháp lý vẫn còn nhiều… dẫn tới tình trạng trên.
Bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, sức cầu giảm, đơn hàng sụt giảm cũng dẫn tới cầu vốn ngân hàng thấp.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank thấp còn do một số yếu tố đặc thù của ngân hàng này. Cụ thể, dư nợ tín dụng ngắn hạn bán buôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của Vietcombank (70%), dư nợ cho vay phục vụ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại có tính thời vụ, thường tập trung vào trước tháng tết. Cầu của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp FDI cũng giảm mạnh trong dịp đầu năm (doanh nghiệp FDI có xu hướng trả nợ vay vào cuối năm để phục vụ nhu cầu quyết toán).
“Dư nợ tín dụng có xu hướng giảm vào tháng 1, tháng 2 hàng năm và sẽ tăng trở lại vào các tháng tới, không có gì bất thường ở đây. Khoảng cuối quý I và đầu quý II/2024, tín dụng của khách hàng doanh nghiệp, cá nhân sẽ tăng trở lại”, ông Nguyễn Thanh Tùng nhận định.
Theo lãnh đạo Vietcombank, hiện lãi suất không còn là vấn đề trở ngại với tăng trưởng tín dụng, do mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp, thậm chí thấp hơn thời điểm Covid 19.
Tương tự, tại BIDV, tín dụng tháng 1/2024 cũng giảm 1,25% so với cuối năm ngoái. Ông Trần Long, Tổng Giám đốc BIDV cho hay, đây là mức giảm như thường lệ của các năm trước.
“Nguyên nhân khiến tín dụng suy giảm tháng đầu năm là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm, các động lực tăng trưởng phục hồi chậm, hoạt động của doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc, năng lực tài chính của doanh nghiệp sút giảm…”, ông Long phân tích.
Tại khối ngân hàng TMCP tư nhân, tín dụng cũng sụt giảm. Tại MB, tín dụng tháng 1/2024 giảm 0,7%. Lãnh đạo MB cho biết, dù room tín dụng dồi dào, NHNN cũng có nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho ngân hàng thúc đẩy tín dụng song tăng trưởng tín dụng vẫn đi xuống, nguyên nhân là cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn kém.
“Vay để làm gì là câu hỏi lớn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay”, lãnh đạo MB lý giải.
Trong bối cảnh tín dụng sụt giảm dù room tín dụng rất dồi dào (năm nay NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 15% và cấp toàn bộ room tín dụng từ đầu năm), lãnh đạo VietinBank đề nghị Chính phủ cần có chiến lược kích cầu. Đồng thời, các địa phương cần có các tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại đề nghị NHNN tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 đến 12 tháng nữa.
Theo Hiệp hội ngân hàng, thời gian qua, ngành ngân hàng luôn đi đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế song cần phải khẳng định rằng, tín dụng là nguồn vốn bổ sung, không phải vốn chủ lực của doanh nghiệp, nguồn vốn trung dài hạn cần phải dựa vào thị trường vốn.