Ít có khả năng nới thêm room tín dung năm nay
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN đã cấp hết 13,6% trong tổng số 14% room tín dụng năm nay song đến nay Chính phủ và NHNN không có chủ trương nới thêm.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, với áp lực lạm phát như hiện nay, NHNN cần nên thận trọng với cung tiền và cần kiên định với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Thậm chí theo TS. Thành, đây là con số tăng trưởng không hề thấp nếu xét trên nhiều yếu tố như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây và đang ở mức cao, khi đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính
Trong báo cáo vừa phát hành, Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho 15 ngân hàng thương mại ngày 7/9 vừa qua tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%. Các chuyên gia phân tích công ty này cũng cho rằng, NHNN đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, do đó khả năng tiếp tục tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao.
Tính đến ngày 26/8, tín dụng đã tăng 9,9%, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,9% của 8 tháng đầu năm 2021. Ngày 7/9, NHNN thông báo đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM.
VNDirect cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Q3/22 lên 13,1% (+/- 0,6%) nhờ: chính sách kích cầu của Chính phủ đã thúc đẩy tiêu dùng nội địa và du lịch phục hồi ấn tượng trong những tháng qua và lĩnh vực sản xuất tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu trong nước phục hồi giúp gia tăng nhiều đơn đặt hàng mới. Do đó, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên mức 7,7% (+/- 0,3%).
Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với 4 rủi ro lớn: chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed; những bất ổn gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc; đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái; lạm phát.
Lãi suất điều hành nếu tăng chỉ 0,25-0,5%
Trước áp lực thanh khoản, tỷ giá và lạm phát, các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán ACBS kỳ vọng lãi suất điều hành của NHNN có thể tăng dần trong khoảng 0,5 – 0,75% từ đây cho tới cuối năm 2022.
Mặc dù vậy, VNDirect cho rằng, NHNN vẫn có thể ổn định lãi suất. Giá cả hàng hóa và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép NHNN tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quyết liệt sử dụng chính sách tài khóa để san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ trong mục tiêu quan trọng là “kiềm chế lạm phát” thông qua việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng thiết yếu (điển hình là xăng dầu).
“Do đó, NHNN có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Trong trường hợp NHNN tăng lãi suất điều hành trong năm nay, mức tăng sẽ hạn chế trong khoảng 0,25-0,5%”, VNDirect nhận định.
Mặt bằng suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 8 đến đầu tháng 9. Cụ thể, lãi suất qua đêm đã tăng lên mức 6,9% vào ngày 7/9 (mức cao nhất kể từ tháng 9/2012), tăng 270 điểm cơ bản so với mức cuối tháng 7. Lãi suất liên ngân hàng cho kỳ hạn dài hơn (kỳ hạn 1 tuần - 9 tháng) cũng tăng 56-208 điểm cơ bản trong kỳ.
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh là do một lượng lớn tiền Đồng bị rút ròng khỏi hệ thống ngân hàng khi NHNN đẩy mạnh hút ròng qua tín phiếu và bán ngoại tệ trong tháng 8. Bên cạnh đó, NHNN muốn duy trì lãi suất VND cao hơn lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng để giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND trong bối cảnh USD tiếp tục mạnh lên khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Ngoài ra,nhu cầu huy động vốn của ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh khi NHNN chính thức nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại kể từ tháng 9/2022.
Hiện lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt song vẫn dao động ở mức cao khoảng 4-5% đối với kỳ hạn qua đêm. Đà tăng của đồng USD có thể chững lại hoặc thậm chí quay đầu giảm sau cuộc họp của Fed vào ngày 20-21 tháng 9 tới đây vì đà tăng gần đây của đồng USD có thể đã phản ánh quá mức những tác động của đợt tăng lãi suất lần này của FED.
Áp lực tỷ giá hạ nhiệt, cùng với các động thái hỗ trợ gần đây của NHNN như việc bơm ròng ra thị trường trong những phiên đầu tháng 9 sẽ góp phần hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Mặc dù vậy,lãi suất tiền gửi trên thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới bởi nhiều yếu tố.
Thứ nhất, NHNN đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các NHTM.
Thứ hai, tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (chỉ 4,2% so với đầu năm, tăng 9,9% so với cùng kỳ) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.
Thứ ba, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4- 4,25% vào cuối năm 2022.
Thứ tư, USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.
Theo dự báo của VNDirect, lãi suất tiền gửi có thể tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2022. Lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.