Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia còn được kỳ vọng là đòn bẩy cho phát triển và kết nối các start-up, hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. |
Nóng ruột với “hàng xóm”
Đồng bộ với các chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài, các nước láng giềng Đông Nam Á đang “chơi lớn” với kế hoạch phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo bằng việc tận dụng các nguồn lực bên ngoài. Sau Singapore, Thái Lan mới đây đã nổi lên, khi “rung chuông” Dự án True Digital Park, với tham vọng xây dựng trung tâm công nghệ cao lớn nhất Đông Nam Á từ việc thu hút giới đầu tư công nghệ hàng đầu khu vực và thế giới.
Với mục tiêu hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, ngày 2/10/2019, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng liên tiếp có các hoạt động thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua các chuyến đi Singapore, Đức… Mới đây nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo NIC đã có cuộc gặp đại diện các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản nhằm kêu gọi hợp tác phát triển mạng lưới start-up và cộng đồng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Thực tế, NIC không khác nhiều so với True Digital Park của Thái Lan, nhất là về tầm nhìn “một mái nhà mở ra mọi khả năng”. Theo Giám đốc NIC Nguyễn Hoa Cương, 5 lĩnh vực được NIC xác định ưu tiên hỗ trợ gồm: sản xuất thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, đô thị thông minh và công nghệ môi trường.
Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp nhỏ và vừa hay doanh nghiệp khởi nghiệp, NIC sẽ đưa ra các ưu đãi về thuế, môi trường kinh doanh, cung cấp không gian sử dụng, cũng như các dịch vụ kèm theo với thời gian ngắn nhất và chi phí thấp nhất.
Để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, sự hỗ trợ và đồng hành của các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo của Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc là rất quan trọng. Thời gian qua, các quỹ đầu tư này tích cực tham gia các hoạt động đầu tư, hỗ trợ các start-up Việt Nam.
Đầu tư mạnh vào nhân lực
Đại diện Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) hoan nghênh việc thành lập NIC của Việt Nam và tin tưởng động thái này sẽ đóng góp quan trọng cho việc nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam, trong đó có công nghệ cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ông Dennis Teo, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn phát triển doanh nghiệp Waypointe (Singapore) cho rằng, phát triển đổi mới sáng tạo đòi hỏi một quốc gia phải có lực lượng lao động tay nghề cao, hiểu công nghệ và nhanh nhạy với đổi mới. Với Việt Nam, việc cải thiện năng lực công nghệ số của các nhà cung cấp trong nước là mục tiêu cấp bách để họ tiếp cận được các tập đoàn đa quốc gia mạnh về công nghệ.
Dự án Khu đô thị sáng tạo Jurong (Jurong Innovation District) mà Singapore triển khai từ năm 2016 là mô hình Việt Nam có thể học hỏi. Khu đô thị sáng tạo Jurong rộng 600 ha, với sứ mệnh kết nối các nhà nghiên cứu, sinh viên và doanh nghiệp cùng nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ cho tương lai.
Theo ông Shanmuga Retnam, cố vấn đặc biệt của Tổ chức Tư vấn xây dựng thương hiệu và phát triển Fundacion Metropoli (khu vực châu Á), Việt Nam cần xác định khu vực tư nhân là đòn bẩy chiến lược để thu hút và giữ chân nhân tài trong nước, từ đó xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo và nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Chuyên gia Fundacion Metropoli đánh giá, bên cạnh việc tìm kiếm nhân tài Việt đang sống, làm việc tại nước ngoài, thì các động thái thu hút nhân sự “ngoại” cao cấp của doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn TH, VinFast… gần đây là rất đáng ghi nhận.