Ngân hàng
Rót tiền vào cổ phiếu “vua”
Thùy Vinh - 21/12/2017 08:12
Đón đầu xu hướng tích cực trong hoạt động của ngành ngân hàng năm 2018, không ít người, trong đó phải kể đến các sếp ngân hàng, đã rót tiền vào cổ phiếu “vua”.
TIN LIÊN QUAN

Mạnh tay rót tiền

Từ khi nắm quyền điều hành Sacombank đến nay, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã 3 lần chi mạnh tiền để mua vào cổ phiếu STB của Sacombank. Mới đây nhất, ông Minh đăng ký mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu STB để đầu tư theo nhu cầu cá nhân. Như vậy, trong vòng 2 tháng qua, ông đã mua tổng cộng hơn 21,2 triệu cổ phiếu STB, trị giá hơn 220 tỷ đồng, nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 62,57 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,47% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Trong vòng 2 tháng qua, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã mua tổng cộng hơn 21,2 triệu cổ phiếu STB.

Tại LienVietPostBank (mã LPB), ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc liên tục mua vào cổ phiếu LPB. Mới đây nhất, ông đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu LPB để nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 12,3 triệu, tương đương 1,9%, theo phương thức giao dịch trực tiếp và mua theo nhu cầu cá nhân.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo, đã nhận được báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngày 11/12 của HDBank. Đại hội đồng cổ đông HDBank cũng thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu và/hoặc người có liên quan đến cổ đông hiện hữu là Công ty cổ phần Sovico (hơn 38,5 triệu cổ phiếu) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank (hơn 17,6 triệu cổ phiếu), cùng các nhà đầu tư khác đủ điều kiện. 

Gần đây, không chỉ các lãnh đạo ngân hàng liên tiếp xuống tiền mua vào cổ phiếu, mà các cổ đông nội bộ cũng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để gom cổ phiếu. Mới đây, bà Đỗ Quỳnh Ngân, vợ ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu VPB bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, với trị giá gần 400 tỷ đồng… 

Kỳ vọng tương lai

Theo giới phân tích chứng khoán, việc các sếp lớn ngân hàng liên tiếp bỏ tiền ra gom cổ phiếu của chính ngân hàng mình là chuyện bình thường. Động thái này vừa giúp họ khẳng định được vị thế và cũng là nhu cầu đầu tư thiết thực khi giá cổ phiếu đang xuống thấp.

Trong bối cảnh chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng tăng tốt hơn nhiều và nhiều giai đoạn đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

 

Tuy nhiên, không loại trừ việc họ đã nhìn thấy được tiềm năng tăng trưởng hoạt động của ngành ngân hàng sau một thời gian dài khó khăn, nên không ngại rót tiền mua vào. Đáng chú ý là, có tín hiệu “làn sóng” cổ phiếu ngân hàng đang tăng và không ít nhà băng cho biết, chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn nhằm minh bạch hoạt động và nâng thanh khoản của cổ phiếu. 

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng, IPO là điều tích cực cho tín nhiệm của HDBank, do thương vụ sẽ củng cố khả năng tạo vốn và khoảng đệm nguồn vốn cho quỹ dự phòng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh. Với giá trị ước tính là 300 triệu USD, đây sẽ là vụ IPO lớn thứ hai trong ngành ngân hàng Việt Nam, sau vụ IPO của Ngân hàng Vietcombank trị giá 463 triệu USD năm 2007.

“Thương vụ này sẽ khuyến khích các ngân hàng khác theo bước”, Moody’s nhận xét.

Tại Sacombank - một trong những ngân hàng có tổng nợ xấu lớn nhất sau sáp nhập SouthernBank, với sự nỗ lực xử lý và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hoạt động của Ngân hàng đang dần cải thiện, với lợi nhuận tăng mạnh trong gần 9 tháng đầu năm (1.100 tỷ đồng trước thuế) và mục tiêu năm nay là xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Có thể thấy, dường như người đứng đầu Sacombank phần nào nhìn thấy được tương lai của Ngân hàng, nên không ngại chi tiền mua vào cổ phiếu STB.

Trong bối cảnh chung của thị trường chứng khoán gần đây, cổ phiếu ngân hàng tăng tốt hơn nhiều và nhiều giai đoạn đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Khối lượng giao dịch ở các cổ phiếu ngân hàng cũng khá ấn tượng, trong đó vài cổ phiếu còn nằm trong top đầu về thanh khoản. Hơn nữa, không chỉ có nhà đầu tư nội mua cổ phiếu, mà khối ngoại cũng mạnh tay gom hàng. Do đó, với tư cách là các cổ đông nội bộ của ngân hàng, nhiều ông chủ ngân hàng không thể đứng ngoài dòng chảy của thị trường.

TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tín dụng tăng trưởng tích cực trong 11 tháng đầu năm nay, ước tăng khoảng 15,3% so với cuối năm 2016. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định... Từ đó, việc duy trì lãi suất ổn định ở mức thấp tiếp tục là công cụ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt mục tiêu mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 21%.

Cũng theo TS. Tín, so với trước, các ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ hơn trong cho vay, cả với tín dụng bất động sản. Điều đó cũng có nghĩa, nợ xấu được kiểm soát và dự phòng rủi ro giảm đi. Lợi nhuận ngân hàng gia tăng và kết thúc 11 tháng đầu năm nay, nhiều nhà băng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Chính điều đó sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu một thời là “vua”. Tuy nhiên, khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng lúc này, cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ phải thận trọng xem xét hoạt động của từng nhà băng.

Tin liên quan
Tin khác