Ngân hàng - Bảo hiểm
Rủi ro biến động tỷ giá không lớn
Vân Linh - 17/08/2023 08:20
Tuy có xu hướng nhích nhẹ và gặp áp lực thanh toán hàng hóa cuối năm, nhưng tỷ giá được nhận định sẽ ổn định ở mức 24.000 VND/USD vào cuối năm 2023.
Nguồn cung USD tích cực được kỳ vọng sẽ giúp tỷ giá VND/USD ổn định về cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Áp lực còn hiện hữu

Tỷ giá trung tâm được ngân hàng niêm yết đầu tuần tăng nhẹ lên 23.848 VND/USD. Các ngân hàng thương mại cũng tăng giá USD, Eximbank mua vào 23.530 VND/USD, bán ra 23.910 VND/USD; Vietcombank mua vào 23.560 VND/USD, bán ra 23.930 VND/USD… Chênh lệch lãi suất USD-VND tại thị trường liên ngân hàng ở mức cao.

Rủi ro tỷ giá được nhận định tiếp tục hiện hữu vào cuối năm. Đáng chú ý, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm diều hâu, chưa giảm lãi suất, USD vẫn duy trì sức mạnh nhờ môi trường lãi suất cao và giữ vững vai trò đồng tiền trú ẩn khi kinh tế thế giới bất ổn.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2023 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với dự báo, đã làm giá USD tăng trở lại. Giá đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế tăng, USD-Index tăng lên mức 102,85 điểm. Hầu hết nhà đầu tư kỳ vọng, không có thay đổi nào từ Fed tại cuộc họp chính sách vào tháng 9/2023.

Ở châu Á, lập trường duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nhật Bản khiến đồng tiền hai nước này tiếp tục mất giá thêm 5,0% và 9,3% so với USD nửa đầu năm nay. Tại Việt Nam, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng nhích dần lên trong tháng 5/2023 (tăng 0,13% so với tháng 4) và tháng 6 (tăng 0,4% so với cuối tháng 5/2023).

Theo ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách Mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam, trước áp lực từ kinh tế toàn cầu, tỷ giá VND/USD có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn. Các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, tỷ giá có thể biến động mạnh hơn vào cuối năm, song dao động không quá +/-2% so với đầu năm.

Theo Ngân hàng Thế giới, nguy cơ gia tăng chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế gây áp lực lên tỷ giá. Do nhu cầu tín dụng tiếp tục ở mức thấp dù lãi suất đã giảm, nên việc cắt giảm thêm lãi suất chưa chắc đem lại hiệu ứng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Rủi ro biến động không lớn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023 để hỗ trợ tăng trưởng và “hạ thấp tấm khiên” ổn định tỷ giá, đồng thời tích cực mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. 

Tỷ giá tăng cao thì nhập khẩu bất lợi, nhưng nếu thấp quá thì không có lợi cho xuất khẩu. Trong khi đó, chúng ta đang ưu tiên nhiều hơn cho xuất khẩu. Tình trạng giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới cũng là một trong những yếu tố khiến vàng lậu vào thị trường nội địa, gây áp lực lên tỷ giá.

- Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam

Theo dự báo từ các nhà phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nửa cuối năm, tỷ giá có thể chạm ngưỡng 24.500 đồng/USD, kỳ vọng ở mức 24.200 đồng/USD vào cuối năm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những điều tác động đến khả năng giảm lãi suất là biến động tỷ giá. Tỷ giá năm nay giảm do USD khó sốt trở lại khi Fed có khả năng dừng tăng lãi suất và NHNN có thể có thêm dư địa giảm lãi suất điều hành.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, tỷ giá tăng nhẹ gần đây do nhu cầu điều chỉnh tỷ giá linh hoạt của NHNN, chứ không phải ảnh hưởng từ USD trên thế giới. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 100 tỷ USD, nên NHNN có thể linh hoạt trong mua vào, bán ra để điều tiết thị trường ngoại hối.

Nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thường tăng cao dịp cuối năm, do thanh toán đơn hàng và nhập hàng…, nên tác động lên tỷ giá. Song ông Khánh cho rằng, điều này đã được NHNN tính toán và có sự chuẩn bị, nên bắt đầu mua vào các quý đầu năm và có thể bán ra cuối năm để ổn định tỷ giá.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo áp lực lớn với tỷ giá quý III/2023, song nguồn cung ngoại tệ tích cực được kỳ vọng sẽ giúp VND ổn định về cuối năm.

Tin liên quan
Tin khác