Dư nợ cho vay bất động sản cao
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của các ngân hàng đổ vào bất động sản hiện ở mức 7 - 8% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, dư nợ cho vay bất động sản thực tế cao hơn con số được công bố. Đó là chưa kể dư nợ cho vay bất động sản “núp bóng” tín dụng tiêu dùng.
Nợ xấu ngân hàng liên quan nhiều đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản. Trong ảnh: Khu dân cư 584 - Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) được triển khai từ hơn chục năm trước và hiện vẫn bị ngân hàng siết nợ. Ảnh: Hoàng Triều |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự nghi ngờ về tỷ trọng cho vay bất động sản được công bố. Cụ thể, theo ông Hiếu, tỷ trọng cho vay bất động sản phải lên tới 20%, chứ không thể là 7 - 8% như số liệu của NHNN. Nếu đúng như vậy thì đây là con số quá lớn.
Thực tế, một số ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao hiện cũng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao hơn so với mặt bằng chung của hệ thống. Sacombank đang có hơn 42.000 tỷ đồng cho vay các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn (bao gồm cả bất động sản), tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Từ đầu năm nay, ngân hàng này liên tục rao bán hàng loạt bất động sản gắn liền với nợ xấu, với giá trị trên 30.000 tỷ đồng, để thu hồi và xử lý nợ.
Nợ xấu của Sacombank tăng mạnh sau sáp nhập Southern Bank từ cuối năm 2017. Đến cuối tháng 9/2018, nợ xấu của Sacombank đã giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 22%), còn 8.067 tỷ đồng, chiếm 3,18% tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này đã giảm khá nhanh so với mức 3,7% cuối quý II/2018 và 4,67% hồi đầu năm. Nhưng Sacombank vẫn là một trong số ít nhà băng có tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản vượt trên 10% tổng dư nợ hiện nay.
Tương tự, Techcombank dành tới 12% dư nợ để cho vay bất động sản trong kỳ 6 tháng vừa qua. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng đến cuối tháng 9 tăng lên mức 2,05% so với mức 1,61% đầu năm nay. Giá trị tuyệt đối các khoản nợ này đã tăng lên 3.400 tỷ đồng, so với mức 2.580 tỷ đồng hồi đầu năm nay…
Khó tránh nợ xấu tăng
Thực tế cho thấy, tuy tăng trưởng tín dụng của ngành đến hết quý III/2018 có dấu hiệu chững lại, nhưng theo kết quả khảo sát do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) thực hiện trong tháng 9/2018 cho thấy, 88% ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm nay tăng trưởng cao hơn so với năm 2017. Lợi nhuận toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19,05% trong năm 2018. Vì vậy, các ngân hàng đang tìm cách đẩy vốn, trong đó có vốn vào lĩnh vực bất động sản.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải nhận định, có thể trước mắt, tín dụng bất động sản ngân hàng cho vay chưa xuất hiện nợ xấu, nhưng thời gian tới, rủi ro trong lĩnh vực này sẽ gia tăng. Vì thế, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 vẫn là bức tranh sáng, do chưa phải trích lập nhiều, nhưng sang năm 2019, nợ xấu từ các khoản cho vay bất động sản tăng sẽ kéo theo tăng dự phòng rủi ro và ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Nhằm phòng ngừa nợ xấu bất động sản gia tăng, Chính phủ, NHNN luôn quan tâm đặc biệt và yêu cầu kiểm soát chặt hoạt động cho vay đối với lĩnh vực này. Mới đây, Chính phủ một lần nữa yêu cầu từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản.
Trước đó, NHNN cũng có chỉ thị về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những tháng cuối năm, trong đó có yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốc độ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như dự án BOT, BT giao thông, bất động sản… Đồng thời, NHNN cho biết sẽ thanh tra đột xuất các ngân hàng có tín dụng tăng cao trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng...
Ngoài ra, hệ số rủi ro cho vay bất động sản đã được nâng từ 150% lên 200% vào đầu 2018 và sang năm 2019 sẽ nâng tiếp lên 250%. Cùng với đó là việc siết mạnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Một lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực tài chính cho rằng, tỷ trọng cho vay bất động sản thực chất dao động ở mức 14 - 16% tổng dư nợ tín dụng, vì tỷ trọng cho vay tiêu dùng của hệ thống ngân hàng hiện chiếm khoảng 16 - 17%, trong đó, hơn một nửa chảy vào bất động sản. Vì thế, NHNN cũng đã có đề án giám sát cho vay tiêu dùng, thống kê và tách cho vay bất động sản đang ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng, nhằm hạn chế rủi ro khi nợ xấu gia tăng.