Doanh nghiệp
Sabeco chờ nhà đầu tư ‘cá mập’
Thanh Hương - 01/12/2017 08:39
Với mức giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu, khả năng bán hết 53,59% vốn điều lệ trong lần thoái vốn nhà nước tại Sabeco vào ngày 18/12/2017 là câu hỏi khó. 5 tỷ USD là khoản tiền lớn và đang mong chờ từ các nhà đầu tư “cá mập” quốc tế.
TIN LIÊN QUAN

Tiêu chí thị trường

Tối muộn ngày 29/11/2017, việc chốt giá khởi điểm cho cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới hoàn tất với mức 320.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, giá khởi điểm được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong 3 loại giá. Đó là mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn nhà nước tại Sabeco là 281.500 đồng/cổ phiếu; mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn là 184.700 đồng/cổ phiếu và giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin là 320.000 đồng/cổ phiếu.

.

Điểm đáng chú ý là, chỉ trong 15 phút trước giờ đóng cửa ngày 28/11, cổ phiếu SAB đang từ mức 307.000 đồng đã nhanh chóng tăng lên và chốt phiên giao dịch ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu.

Với thực tế này, Bộ Công thương - nơi quản lý và chịu trách nhiệm chính trong quá trình thoái vốn nhà nước tại Sabeco, khó có thể chọn mức giá nào khác ngoài con số 320.000 đồng, nhất là khi Sabeco đã trở thành cái tên “hot”, thu hút nhiều mối quan tâm của nhà đầu tư lẫn công luận ở cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực trong suốt thời gian qua.

Quyết định thoái 53,59% vốn nhà nước tại Sabeco được đưa ra sau 5 phiên họp của Thường trực Chính phủ và thông qua bằng việc lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ. Tiêu chí được đặt ra trong lần thoái vốn này là công khai, minh bạch và tuân thủ theo tiếng nói của thị trường.

Đây cũng chính là lý do khiến dù giao dịch và thanh khoản của cổ phiếu SAB thấp, nhưng mức giá 320.000 đồng vẫn được chọn, bởi đó là tiếng nói của thị trường.

Trong lần thoái vốn này, Chính phủ đã cho phép chào bán 343.662.587 cổ phần của Nhà nước tại Sabeco, tương ứng 53,59% vốn điều lệ. Mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua tối thiểu là 20.000 cổ phần và mua tối đa là 343.662.587 cổ phần, tương ứng đúng 53,59% vốn điều lệ của Sabeco thoái vốn lần này.

Như vậy, để tham gia mua cổ phiếu SAB trong lần đấu giá cạnh tranh giữa tháng 12 tới, nhà đầu tư phải dằn túi tối thiểu không dưới 6 tỷ đồng. Còn nếu gom tối đa 53,59% vốn điều lệ thì phải có khoảng 110.000 tỷ đồng.

Ông Hoài cũng cho hay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa là 49% vốn điều lệ của Sabeco. Như vậy, với lượng cổ phần hiện hữu đang nắm giữ, trong lần thoái vốn này, khối ngoại chỉ còn được mua tối đa là 38,59% vốn điều lệ Sabeco.

Được biết, trong 9,84% vốn điều lệ của Sabeco đang nằm trong tay khối ngoại, các cá nhân chỉ giữ 0,04%. Thương hiệu Heineken đang nắm giữ 5% vốn điều lệ và hiện có 1 ghế trong Hội đồng Quản trị của Sabeco.

Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho hay, trong vòng 10 ngày kể từ sau khi công bố thông tin, Sabeco sẵn sàng tiếp xúc và chào đón các nhà đầu tư tới tìm hiểu cụ thể hơn, tham quan doanh nghiệp.

Chờ sóng lớn?

Theo ước tính, với mức giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu, nếu Sabeco thoái thành công 53,59% vốn nhà nước lần này, tổng số tiền thu về sẽ khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD. Con số này không hề nhỏ và khó có thể trông chờ vào các nhà đầu tư nội.

Với khối ngoại, mối quan tâm đang đổ dồn vào các hãng thực phẩm và đồ uống có tên tuổi quốc tế. Điều này có vẻ hợp lý khi lợi nhuận hàng năm của Sabeco ở vào khoảng 5.000 tỷ đồng, khó hấp dẫn các nhà đầu tư mua số lượng lớn để tìm kiếm cổ tức hay chờ lướt sóng.

Hiện Sabeco đang chiếm 40% thị phần bia tính theo sản lượng và đang có mục tiêu tăng thêm 1-2% thị phần nói chung lẫn lấn sân sang phân khúc cao cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Sabeco cho hay, điểm yếu hiện nay của doanh nghiệp chính là hệ thống tiêu thụ và chính bản thân Sabeco. Để khắc phục, Sabeco đã thuê các saleman cùng những bậc thầy về bán hàng trong ngành đồ uống và thực phẩm để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nhằm tăng thị phần.

“Chúng tôi sẽ tấn công và lấn sân của đối thủ trên mọi phương diện để giành được thêm thị phần cho mình. Đơn cử như việc ra mắt sản phẩm bia Gold ở phân khúc cao cấp, có giá xuất xưởng đắt nhất thị trường hiện nay, hay chuẩn bị đưa thêm 1-2 sản phẩm mới trong năm 2018, cùng việc đổi mới cơ cấu sản phẩm bên cạnh đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Có tổng công suất thiết kế là khoảng 2 tỷ lít, hiện các nhà máy của Sabeco đang phát huy ở mức từ 92 - 110% công suất. Với mục tiêu đạt mức tiêu thụ hơn 1,8 tỷ lít bia trong năm 2018, “Sabeco cũng kỳ vọng sẽ bước vào danh sách Top 10 doanh nghiệp bia lớn trên thế giới, sau khi đã đứng ở vị trí 11 theo bảng xếp hàng của Euromonitor International”, ông Nam nói.

Dẫu vậy, việc chưa nới thêm room cho khối ngoại, hay giá cổ phiếu đang ngất ngưởng cũng khiến cho việc thoái vốn nhà nước trong lần bán đấu giá vào ngày 18/12 tới chứa đựng đầy bầt ngờ. Thậm chí, đã có những dự đoán, chỉ cần thoái được 5-10% vốn trong lần này cũng đã là thành công.

Tin liên quan
Tin khác