Tết vượt sóng ra đảo tiền tiêu
Cũng như đất liền, vào cữ độ Xuân kề, Tết đến, mặt Biển Đông cũng vui vẻ, tấp nập không kém. Ngoài sự tấp nập của tàu ngư dân buông những mẻ lưới cuối cùng trong năm còn là sự tấp nập của những chuyến tàu đang vượt sóng, vượt gió để đem quà, đem lương thực, thực phẩm thiết yếu ngày Tết ra đảo cho chiến sĩ và bà con.
Có lẽ, trong các chuyến tàu vượt sóng, ra khơi, đến với các đảo thuộc chủ quyền của ta, những chuyến tàu ra đảo trong những dịp Tết này dường như nhiều kỷ niệm hơn. Ngoài những câu chuyện vui thì còn là sự bịn rịn. Mà bịn rịn nhất trong những chuyến tàu ấy là việc chia tay những người lính trẻ, “mới toanh”, lần đầu tiên xa nhà ra đảo làm nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền và dựng xây biển đảo quê hương.
Gặp gỡ đầu Xuân trên đảo |
Xa nhà vào độ Tết, ai cũng thương nhớ đất liền. Nhưng dường như khoảnh khắc ấy nhanh chóng qua đi với những người lính mới. Những niềm thương, nỗi nhớ nhanh chóng nhường chỗ cho ý chí, quyết tâm làm tốt nhiệm vụ đất nước, dân tộc mà họ gánh trên vai. Niềm vui choán chỗ, nghị lực nhân lên, ai cũng hồ hởi lắm.
Trong chuyến tàu Tết này, huyện đảo Trường Sa, nơi có một thị trấn duy nhất giữa trùng khơi có tên Trường Sa là nơi chúng tôi hướng đến. Con tàu mang màu xanh rất đỗi bình yên ấy xé sóng, “hào hứng” lao đi, đem trên mình nào gạo, nào lá dong, đỗ, lạt, những chú lợn béo ngậy… “tiếp viện” cho các đảo vào dịp Tết. Hết hát hò, lại kể chuyện trăm miền, trăm quê về tục lệ Tết của những người lính trẻ. Trong đó có cả những chuyện khi họ chưa mang màu xanh áo lính, đi “tán gái” làng bên vào các dịp Tết. Rồi lại là “nỗi lo” bất chợt của cậu lính nào đó về việc Tết này, không biết ai sẽ đưa người yêu mình đi chơi, đi hội làng…
Chuyện vui nối tiếp chuyện vui, vài ngày lênh đênh nhanh chóng qua đi, chúng tôi đã thấy huyện đảo Trường Sa hiện lên trước tầm mắt. Trong phản chiếu của trời Xuân đơm trên biển, lại thêm màu xanh của cây cối do sự chuyên cần của lính và dân gây dựng, Thị trấn Trường Sa hiện lên, đẹp như một đĩa xôi cốm mà các bà mẹ hay bày lên trên bàn thờ để cúng tổ tiên vào mỗi dịp Tết.
Neo buông, khẩu lệnh vang lên, còi hú, trên chiếc cầu tàu nối nhịp là những nụ cười. Là quân dân trên đảo ra đón khách từ đất liền tới thăm. Những cái bắt tay, những cái ôm choàng giữa lính cũ và lính mới ra nhận công tác ngoài đảo sao mà da diết thế! Thị trấn Trường Sa “tọa lạc” trên đảo Trường Sa Lớn, với các xã, đảo, đá, bãi phụ cận.
Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa mở đầu câu hỏi thăm như anh em người nhà lâu ngày gặp lại: Đất liền Tết đến đâu rồi? Ngoài này, cánh lính và bà con đã chuẩn bị khá đầy đủ rồi. Chỉ còn chờ lá dong tươi, gạo nếp và đỗ xanh nữa để gói bánh thôi. Tết đảo chả khác gì, có khi còn hơn cả đất liền đấy chứ các anh nhỉ?!
Từ một đảo gọi là thiếu thốn của những năm về trước, nay đến Thị trấn Trường Sa, một cảm giác như ngay trong đất liền đã hiện hữu ở đây. Ngoài miền đất tạo ra sức hút để có nhiều công dân đất liền ra sống nhất thì đảo Trường Sa lớn còn là vị trí tiền tiêu của ta trên biển. Từ những khó khăn, bằng bàn tay chăm chỉ của dân đảo, lính đảo, nay đảo Trường Sa Lớn, đặc biệt là Thị trấn Trường Sa đang là chỗ dựa của rất nhiều ngư dân đi biển.
Ngoài những chỉ tiêu phấn đấu trong năm, đảo Trường Sa đã tạo điều kiện cho hàng trăm lượt tàu đánh cá của ngư dân ta ra khai thác hải sản. Hỗ trợ được vài chục nghìn lít nước ngọt cho ngư dân. Từ một huyện đảo không có thu, chủ yếu sống bằng ngân sách và hỗ trợ, nhờ kinh tế phát triển nên đảo đã làm rất tốt các phong trào quyên góp, ủng hộ Quỹ Xóa đói, giảm nghèo, Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa, Quỹ Trẻ em chất độc màu da cam, với nguồn thu hàng chục triệu đồng.
Hương lá tra - một thứ cây xanh tốt trên đảo quắn quyện với hương bàng vuông vào mỗi độ Tết tinh khiết đến vô ngần. Trong không khí nhộn nhịp của Xuân, của Tết trên đảo, tôi tìm vào khu dân cư. Để đón Tết, khu dân cư trên đảo đã được vệ sinh sạch sẽ, cổng tường được quét lại vôi ve, sáng bừng với nắng Xuân.
Trong không gian thoang thoảng hương trầm, theo chân Nguyễn Thị Trà My, tôi tìm đến nhà đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tấn Thi và Nguyễn Thị Thanh Thúy. Đây là cặp vợ chồng trẻ mãi trong Cam Ranh, vì yêu biển, yêu hòn đảo có tên Trường Sa nên xung phong ra đây lập nghiệp. Vợ chồng Thi - Thúy cũng đã sinh hạ thêm một cháu bé đặt tên là Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Đây là cái Tết thứ 3 mà công dân nhí đầu tiên được khai sinh trên đảo này đón Xuân với gia đình.
Căn nhà khép kín, kiên cố của gia đình Thi - Thúy ấm cúng hẳn bởi chiếc bàn thờ được sắp bầy công phu những thứ hoa quả đón Tết theo truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trước cái Tết cận kề, anh Thi - bố của hai công dân nhí trên đảo này vui vẻ: “Tết ở ngoài này chẳng thiếu cái gì anh ạ. Mọi thứ đều được đất liền gửi ra. Kẹo bánh, quần áo cho lũ trẻ đã có rồi. Chỉ chờ mai đi nhận lợn về là các hộ gia đình chúng em ngả ra để giò chả và bánh trái thôi”.
Với chiếc túi lì xì sớm do khách đất liền gửi tặng trên tay, Nguyễn Thị My Sen cho biết, đây là cái Tết nữa em được đón Xuân ngoài này. Em rất thích Tết ở đây. Giao thừa được bố mẹ cho đi thắp hương, viếng chùa trên đảo. Lại được xem các chú bộ đội biểu diễn văn nghệ, nhận tiền mừng tuổi nữa.
Nhớ người nằm lại giữ biển đảo quê hương
Vì lịch trình, vì các thứ quà Tết, vì lời chúc Tết còn phải chuyển từ đất liền ra các đảo khác, chúng tôi lại lên đường. Tạm biệt mùi hương lá tra, mùi thơm ngái của những búp bàng vuông đang đơm dưới nắng Xuân, chúng tôi lại lên đường tới đảo Đá Tây. Lại rổn rảng những câu chuyện Tết trên biển, chẳng bao lâu chúng tôi đã “tiếp cận” đảo.
Sóng điện thoại, điện thắp sáng bằng năng lượng đã đưa đảo Đá Tây “chồi lên” mặt biển, sáng bừng trong nắng Xuân. Từ xuồng, trèo mấy nhịp cầu thang, chúng tôi thấy một mâm đầy sản vật đang nghi ngút hương được thắp trước tấm bia đá khắc bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt khẳng định bờ cõi “Sông núi nước Nam” đặt trên đảo. Trong hội trường dùng làm nơi đón Tết tập thể cho lính và dân, một “cành đào” được “chế tác” từ một cây phi lao, với hoa và lá cắt trông như thật, Đội nuôi trồng Thủy hải sản đang chuẩn bị đón Tết.
Nếm bánh chưng, ăn kẹo và uống trà mạn với một cái Tết được tổ chức hơi sớm cho chúng tôi, theo Đội nuôi trồng Thủy hải sản, từ năm 2004, để củng cố chủ quyền và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng công ty Hải sản Biển Đông đã đưa nghề cá và các công tác dịch vụ hậu cần ra đây. Nhờ đó, đảo Đá Tây đã thay đổi rất nhiều. Cùng với sự thay đổi này, những cái Tết cũng được đầy đủ và đậm đà hơn các năm.
Năm mới sắp đến, năm cũ chuẩn bị qua, ngoài việc sửa chữa, làm chỗ neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân, cung cấp nước ngọt, khám chữa bệnh, cái được nhất trong năm qua là đảo Đá Tây cũng đã rất thành công với việc nuôi cá bè, cá lồng. Hiện tại, đã có hàng chục lồng cá bè với kích cỡ lớn đã được “thả neo” trên biển.
Các loại cá truyền thống và có giá được đất liền và thị trường ưa chuộng như: trẽm, hồng đen, chim trắng đang được nuôi đại trà. Mỗi lồng ở đây thường được nuôi thả từ 2.500 đến 3.000 con. Sau thời gian nuôi, với trọng lượng xuất khoảng 1 - 1,5 kg thì mỗi lồng sẽ cho thu khoảng 240 triệu đồng. Lợi nhuận từ nguồn thu này cũng góp phần để các anh có một cái Tết đầy đủ hơn.
Trong chuyến tàu chúc Tết các đảo này, cảm động nhất đối với tôi và mọi người trong đoàn là khi “ghé thăm” và “chúc Tết” những liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi thềm lục địa của cụm Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ Phúc Tần. Thế là đã hơn 20 năm, hơn 20 mùa Xuân và cái Tết, vì chủ quyền biển đảo, các anh đã nằm xuống.
Như một ơn nghĩa, với tâm linh người Việt, nhớ ơn các anh nên các chuyến tàu qua đây đều dành thời gian thả neo để hương hoa cho các anh – những liệt sĩ cán bộ, chiến sĩ Hải quân chiến sĩ Lữ đoàn 171 - Vùng 2. Hơn 20 mùa Xuân các anh ra đi, vĩnh viễn nằm lại nơi biển khơi Tổ quốc là chừng ấy thời gian, đồng đội, người thân các anh, trong đó có những người vợ trẻ, những đứa con thơ chưa biết rõ mặt cha đều mong nhớ vào mỗi mùa Xuân.
Những tấm gương như Trung úy - Trạm trưởng Bùi Văn Bổng và Thượng uý - Phó Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã cùng 8 cán bộ, chiến sĩ của mình nằm lại nơi biển khơi không ai có thể quên và phải luôn nhớ. Những hình ảnh cao đẹp của Liệt sĩ - Đại uý Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên, đảng viên Nguyễn Văn An, liệt sĩ - Chuẩn uý Lê Đức Hồng... hiện lên thật cảm động trước lời đồng đội gửi thăm các anh ngay trước thềm Xuân mới.
“Sống sao, chết vậy” vốn là phong tục tập quán của người Việt và cũng đã được các chiến sĩ duy trì. Hương hoa, bánh chưng, mứt, giò, chả..., - những thứ cần cho dịp Tết được chuẩn bị chu đáo, lần lượt được thuyền viên và các cán bộ chiến sĩ “gửi xuống” cho các anh. Phút giây ngậm ngùi, cảm động qua đi, ai nấy cũng đều ấm lòng hơn. Tết này, nơi dưới lòng biển sâu kia, các anh cũng nhận được đón Tết đầy đủ, các anh sẽ siêu thoát để trở về với đất liền, với dân tộc, với đồng đội và những người thân yêu.