Ngân hàng - Bảo hiểm
Sacombank có thể ghi nhập khoản thu nhập bất thường hơn 1.300 tỷ đồng trong năm 2024?
Vân Linh - 04/06/2024 07:14
Scombank sẽ ghi nhận khoản thu nhập bất thường 1.336 tỷ đồng trong năm 2024 từ thương vụ bán khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, sau khi trích lập toàn bộ phần nợ trái phiếu VAMC.

Theo báo cáo cập nhật mới công bố, Chứng khoán KB (KBSV) kỳ vọng Sacombank sẽ ghi nhận khoản thu nhập bất thường 1.336 tỷ đồng trong năm 2024 từ thương vụ bán khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, sau khi trích lập toàn bộ phần nợ trái phiếu VAMC.

Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Sacombank diễn ra cuối tháng 4/2024, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đã đấu giá thành công khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú.

Sacombank có thể ghi nhập khoản thu nhập bất thường hơn 1.300 tỷ đồng trong năm 2024.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank cũng cho hay, Ngân hàng đã thu hồi được 20% tổng giá trị bán đầu giá thành công. Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025.

Còn đối với 32,5% vốn liên quan đến ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ, đầu tháng 12/2023, Sacombank đã trình phương án lên Ngân hàng Nhà nước để được chủ động xử lý theo hình thức bán đấu giá. Với tính chất là thương vụ có quy mô lớn cũng như mang tính chiến lược đối với ngân hàng, KBSV cho rằng thời gian hoàn thành thương vụ sẽ diễn ra trong giai đoạn 2026 - 2027.

KBSV đánh giá Sacombank đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2024 tương đối thận trọng và có thể sẽ đạt được kết quả thuân lợi hơn nhờ NIM, chất lượng tài sản duy trì ở mức tốt và nguồn thu bất thường từ việc bán Khu công nghiệp Phong Phú. KBSV kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 13.707 tỷ đồng, tăng 42,9% so với năm 2023.

Sacombank đã tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú vào đầu năm 2023. Đây là lần thứ 6 Sacombank rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng. 

Cũng theo Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của SouthernBank giai đoạn 2011 - 2012. Đến năm 2015, SouthernBank sáp nhập Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý.

Kết thúc quý I/2024, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.654 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản Sacombank là 693.535 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,7% lên 500.408 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,4% lên 533.358 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, báo cáo tài chính cho thấy nợ xấu của Sacombank tăng 3,8% trong 3 tháng đầu năm lên 11.402 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay đi ngang ở mức 2,28%. Hiện nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 6.282 tỷ đồng, tăng 28% trong quý I/2024. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của Sacombank được cải thiện từ 69% lên 73%.

Đồng thời, trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tiếp tục giảm xuống còn 15.973 tỷ đồng (giảm 460 tỷ đồng so với cuối năm 2023). Trong đó, ngân hàng đã trích lập dự phòng 14.571 tỷ đồng.

Theo kế hoạch trong năm nay, Sacombank sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc và sẽ chia cổ tức. Trong báo cáo của Sacombank, lợi nhuận giữ lại 18.000 tỷ đồng. Hiện nay, room 30% ngoại đã hết rồi. Nếu tái cơ cấu thành công sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, sau đó tăng vốn điều lệ và kêu gọi cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STB của Sacombank đã tăng lên 29.750 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của Sacombank tăng thêm khoảng 3.580 tỷ đồng, lên 56.085 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác