Cụ thể, năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khiêm tốn, tăng 12% so với năm trước trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 50% đạt 9.500 tỷ đồng.
Tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2023 dự kiến tăng 11% đạt 657.800 tỷ đồng, trong đó, dư nợ đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022. Tổng huy động vốn đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%.
Sacombank cho biết, sẽ nỗ lực hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, tái cơ cấu thành công để tạo thêm nhiều giá trị cho cổ đông. Sacombank tự tin có thể tái cơ cấy thành công sớm hơn thời hạn thay vì đến hết năm 2025.
Đồng thời, Sacombank cho biết ,năm 2023 sẽ bước vào chu kỳ kinh doanh mới với mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số toàn diện.
Theo đó, Ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh quy mô kinh doanh và hiệu quả hoạt động, tăng trưởng nguồn vốn bền vững; ứng dụng các mô hình và công cụ quản trị theo thông lệ quốc tế; tiếp tục tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động tại các công ty con và ngân hàng con.
Tại đại hội cổ đông lần này, HĐQT Sacombank sẽ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận cho năm tài chính 2022. Theo đó, ngân hàng sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ với số tiền 12.672 tỷ đồng.
Sacombank có thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự năm 2022 đạt mức 37.390 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm.
Báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán của Sacombank cho thấy, nợ xấu của ngân hàng, bao gồm nội bảng và trái phiếu đặc biệt VAMC đều giảm mạnh trong năm vừa qua.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ xấu nội bảng của Sacombank là 4.299 tỷ đồng, giảm 1.533 tỷ so với cuối năm 2021. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh 1.520 tỷ xuống còn 3.007 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Sacombank từ 1,5% xuống 0,98%. Đây cũng là năm đầu tiên Sacombank đưa được tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% sau 7 năm sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.
Sacombank cho biết, trong số dư nợ có khả năng mất vốn có một số khoản cho vay với tổng dư nợ là 46,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1.689 tỷ (2021), đang được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dựa trên năng lực tài chính theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập và các kiến nghị của Ngân hàng tại Đề án cơ cấu và trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt.
Về nợ xấu tại VAMC, Sacombank cũng đang tiến dần đến việc tất toán số trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu này do VAMC phát hành nhằm mục đích mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng, có thời hạn từ 5-10 năm, lãi suất 0%. Cuối năm 2022, mệnh giá trái phiếu đặc biệt mà Sacombank nắm giữ là 21.514 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, Sacombank đã trích lập dự phòng 14.639 tỷ đồng, tăng thêm hơn 8.600 tỷ trong năm 2022.
Báo cáo cũng cho thấy, Sacombank đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ và thanh lý tài sản, giúp lãi thuần từ hoạt động khác tăng gấp 6 lần lên 2.745 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản Sacombank đạt 491.907 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 438.627 tỷ, tăng 13%. Tiền gửi khách hàng đạt 454.740 tỷ đồng, tăng 6,4%.