Ngân hàng
Sacombank hoàn thành chỉ tiêu quan trọng trong đề án tái cơ cấu
T.V - 27/07/2022 09:56
Sacombank cho biết, hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu. Từ đây, Sacombank bắt đầu có thêm nguồn lực để tăng tốc hoạt động kinh doanh.

Đạt 2.900 tỷ đồng lợi nhuận nửa đầu năm, xử lý hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu

6 tháng đầu năm 2022, mặc dù đối mặt với bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, Sacombank vẫn duy trì kết quả hoạt động tốt, giữ được đà tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu. Từ đây, Sacombank bắt đầu có thêm nguồn lực để tăng tốc hoạt động kinh doanh.

Lợi nhuận trước trích lập Đề án của Sacombank đạt hơn 10.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.

Các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số CAR luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn.

Quy mô hoạt động của Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 551.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm.

Dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22%. Chỉ số ROA, ROE tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt mức 0,77% và 11,86%.

Tổng thu nhập tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 11.200 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ tăng gần 85% với sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử. Hiệu suất lao động được cải thiện, tỷ lệ CIR đạt mức 48,3%, giảm 8% so với cùng kỳ.

Xử lý gần hết tồn đọng, hoàn thành chỉ tiêu quan trọng đề án tái cơ cấu

Trước đó, Sacombank thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong hệ thống, nhưng chất lượng tài sản lúc đó xuống dốc mạnh. Tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng năm 2016 lên gần 97.000 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, ban lãnh đạo Sacombank xử lý nợ xấu khá quyết liệt và năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng, ghi nhận kết quả khả quan triển khai đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.

Lũy kế 5 năm qua (2017 - 2021), Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỉ đồng là các khoản thuộc đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể.

Nhờ đó, quy mô lãi khoanh giảm 73,7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29,3% xuống còn 8%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống 1,47 % so với thời điểm cuối năm 2016.

Nhà băng này cũng đã trích 8.260 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc đề án đến cuối năm 2021, từ đó mức lũy kế tăng lên 20.287 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của đề án.

Trong 6 tháng đầu năm nay, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được Sacombank đẩy mạnh, với hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu.

Giới phân tích trên thị trường kỳ vọng về sự phát triển của Sacombank trong năm 2022, nhất là vấn đề xử lý nợ xấu, hiện ngân hàng chỉ còn phải xử lý một phần các khoản nợ, với tài sản đảm bảo là các bất động sản có giá trị khác.

Theo lãnh đạo Sacombank, hiện Ngân hàng chỉ còn một phần nhỏ nữa là hoàn thành tái cơ cấu. Các tài sản đảm bảo ở Sacombank đều có chất lượng tốt, vị trí đẹp.

Sacombank cho biết, trong năm 2022 - 2023, Sacombank sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VAMC để xử lý dứt điểm các tồn đọng, đồng thời đẩy mạnh đấu giá các tài sản khác để thu hồi nợ. Khả năng Sacombank sẽ hoàn thành tái cơ cấu trước thời hạn vào năm 2023.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng cũng đã có kiến nghị với NHNN và trình Chính phủ cho phép thì Sacombank mới giải quyết được khoản nợ chiếm 32,5% vốn cổ phần Sacombank từ VAMC.

Cũng như khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, Ngân hàng cũng đang nỗ lực kiến nghị với UBND TP.HCM để có thể sớm được đấu giá và cố gắng hoàn thành trong năm 2022.

Cổ đông kỳ vọng vào "của để dành" tại Sacombank

Các cổ đông Sacombank gia tăng niềm tin qua thị giá cổ phiếu STB của Sacombank trong thời gian qua. Điều này một phần đến từ việc “của để dành” của Ngân hàng ngày càng gia tăng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Sacombank diễn ra cuối tháng 4/2022, Chủ tịch Sacombank cho hay, lũy kế đến 31/12/2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại của Ngân hàng là 9.000 tỷ đồng (tương đương 5%) vốn điều lệ, đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông. 

Tuy nhiên do hiện tại Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ và NHNN phê duyệt, vì vậy việc chia cổ tức phải được NHNN chấp thuận.

Từ năm 2019 đến nay, Sacombank liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông, hiện nhà băng này cũng đang chờ NHNN chấp thuận để có thể triển khai.

Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước thời gian đã được NHNN phê duyệt.

Từ đó, Sacombank thực hiện các thủ tục xin phép thực hiện việc chi trả cổ tức cho cổ đông. Lãnh đạo Ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.

"Cổ tức chia chưa cũng còn đó, hay nói cách khác “cơm chưa ăn, gạo còn đó”, nên mong cổ đông thông cảm và chờ đợi sau tái cấu trúc", Chủ tịch Sacombank nhấn mạnh.

Những thành tựu chuyển đổi số nổi bật

Năm 2022, Sacombank dự kiến đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 10% và 12%, đạt 512.700 tỷ và 435.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và hiện đại, Sacombank đã đầu tư vào hoạt động chuyển đổi số từ sớm. Riêng năm 2022, Sacombank tập trung đẩy mạnh hoạt động này, xem đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực số, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Sacombank trên thị trường.

Các hoạt động số của Sacombank không chỉ dừng lại ở việc ra mắt công nghệ mới mà còn kết hợp và tối ưu hóa các công nghệ hiện hữu nhằm mang lại trải nghiệm trọn vẹn, liền mạch cho khách hàng.

Điển hình, Sacombank đã tiên phong kết hợp với Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard cho ra mắt thẻ tích hợp 1 chip Sacombank Mastercard Only One - dòng thẻ quốc tế công nghệ cao lưu trữ thông tin thẻ tín dụng và thẻ thanh toán trên cùng một con chip.

Ngân hàng cũng vừa triển khai dịch vụ giao dịch qua email với chữ ký số và mở tài khoản giao dịch trực tuyến (thông qua công nghệ eKYC) dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiến tới xây dựng ngân hàng hợp kênh (Omni-Chanel Banking) nhằm gia tăng tiện ích, mang tới trải nghiệm liền mạch và trọn vẹn cho khách hàng.

Sắp tới, Sacombank sẽ tiếp tục mục tiêu số hóa toàn diện, tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, quyết liệt triển khai các giải pháp để xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng; tiếp tục hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II; nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng cho khách hàng; nâng cao năng suất lao động và tập trung mọi nguồn lực nhằm tạo bước đột phá trong kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sacombank, chuyển đổi số là tất yếu để phát triển bền vững, Sacombank sẽ tiếp tục chặng đường mới với chiến lược và lộ trình chuyển đổi số toàn diện. 

Với những nền tảng công nghệ ngân hàng, năng lực tài chính, mạng lưới hoạt động và chất lượng nguồn nhân lực, bà Diễm cho rằng, Sacombank hội đủ điều kiện để bứt phá trong những năm tiếp theo. 

Ngân hàng tự tin tiếp tục hoàn thành vượt mức kế hoạch đưa ra cho năm nay, hoàn thành đề án tái cơ cấu trước thời hạn.

Tin liên quan
Tin khác