Theo Tổng giám đốc Sacombank, do ảnh hưởng dịch Covid-19, cầu vốn của khách hàng không tăng đột biến, tuy nhiên do hạn mức tín dụng của Sacombank được cấp đầu năm nay chỉ có 9% và gần 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đã xấp xỉ 6%.
Vì vậy, room còn lại của Sacombank tron tăng trưởng tín dụng chỉ còn lại 3% nên Ngân hàng đã trình xin NHNN nói room tín dụng lên 14% để có thêm dư địa cho vay trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.
Cũng theo Tổng giám đốc Sacombank, hiện thanh khoản của Ngân hàng khá dồi dào, thậm chí Sacombank đang dư thừa 30.000 tỷ đồng vốn huy động. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng luôn được Ngân hàng kiểm soát, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh để ngắn ngừa rủi ro nợ xấu tăng.
5 tháng đầu năm nay, Sacombank trích lập dự phòng rủi ro trên 1.500 - 1.700 tỷ đồng. Quỹ dự phòng rủi ro của Sacombank đến thời điểm này được lãnh đạo Ngân hàng cho biết, đã lên đến 4.000-5000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm nay, Sacombank đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu. Bà Diễm cho hay, 5 tháng đầu năm, Sacombank đã đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng và con số thực thu đến thời điểm này là 1.800 tỷ đồng thì chắc chắn từ nay đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu đề ra là xử lý và thu hồi được 11.000 tỷ đồng.
Một trong những tài sản thế chấp lớn mà Sacombank đang muốn bán lại bị vướng lại đó là bất động sản Khu công nghiệp Phong Phú. Trả lời cổ đông tại đại hội thường niên diễn ra ngày 5/6 về vấn đề này, ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết, Sacombank đã nhiều lần bán đấu giá tài sản này (bao gồm khu đô thị, khu công nghiệp).
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, Sacombank đang trình xin nới hạn mức (room) lên 14%. |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bất động sản này cũng có những tồn tại. Vì thế, đợt rồi UBND TP.HCM yêu cầu Sacombank tạm dừng phát mãi để xem xét lại nên Ngân hàng đang đợt ý kiến của UBND TP.HCM để có thể phát mãi tài sản trở lại.
Hiện Sacombank còn nắm giữ hơn 25.000 ty đong trái phiếu VAMC và đang nỗ lực xử lý, thu hồi nợ xấu để hoàn nhập dự phòng.
Tính đến hết tháng 5/2020, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 1.303 tỷ đồng, tổng tài sản 477.302 tỷ đồng, tổng huy động 434.709 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 310.745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2%.
Năm 2020, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.573 tỷ đồng, tổng tài sản 498.400 tỷ đồng, tổng huy động 457.200 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 329.400 tỷ đồng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, mục tiêu lợi nhuận năm nay giảm 20% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch bệnh. Việc tái cơ cấu, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch cũng tác động làm giảm khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận của Sacombank. Do ngân hàng đang phải tái cơ cấu nợ cho khách hàng nên các khoản lãi dự thu không còn được thu mà phải thoái hoàn toàn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết, sẽ cố gắng đạt được mức lợi nhuận như năm trước.
Thực tế, ín dụng cả nước đến ngày 16/6 tăng 2,13%, do nhu cầu vốn của khách hàng tăng chậm, nhất là vốn trung, dài hạn khó tăng. Ngành ngân hàng sớm vào cuộc chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi, giảm phí cho khách hàng, nhất là với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng cũng phải hy sinh lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thậm chí với các ngân hàng phải giảm lợi nhuận dự kiến lên đến hàng nghìn tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay.
Không chỉ giảm lãi suất điều hành, ngành ngân hàng đã ra sức tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng, nhất là với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến nay, ngành ngân hàng đã tái cơ cấu lại thời gian trả nợ 172.365 tỷ đồng tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch.
Cũng theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, mục tiêu tín dụng 2020 ngành ngân hàng đưa ra đầu năm nay ở mức 14%, nhưng ở thời điểm đó chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, nguồn vốn tín dụng đưa ra nền kinh tế cũng phải kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn lực cũng cố hoạt động, nên không loại trừ việc NHNN nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng khi xét thấy nhu cầu cần thiết.
Tuy nhiên, Phó thống đốc Tú cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất luôn đòi hỏi đi kèm với đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng. Hay nói cách khác, vốn tín dụng phải đến tận tất cả các loại hình doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, tránh nợ xấu gia tăng và ngành ngân hàng phải quay lại bài toán tái cơ cấu.