Điểm nóng
SAGRI sai phạm thế nào khiến Phó chủ tịch UBND TP.HCM vướng lao lý?
Ngô Nguyên - 11/07/2020 17:46
Ngày 11/7, Bộ công an khởi tố bị can, bắt giam khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú 5 cán bộ từ cấp cao tới chuyên viên sở, ngành liên quan sai phạm tại SAGRI.

 

Như báo Đầu tư đã thông tin, ngày 11/7, Bộ công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú do “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với 5 người là ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó chủ tịch UBND TP.HCM); Trần Trọng Tuấn, sinh năm 1969, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng); Phan Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng; Lê Tấn Hòa, chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng.
Tất cả đều liên quan sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiêp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI). Vậy SAGRI sai phạm thế nào? 

 

Loạt cán bộ vừa dính lao lý liên quan SAGRI

 


Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM trước đó, thì SAGRI có hàng loại sai phạm trong chuyển nhượng đất, thực hiện các dự án, quản lý sử dụng nhà đất, hợp tác đầu tư và điều hành kinh doanh...
Cụ thể, việc SAGRI và Công ty Bò sữa sử dụng mặt bằng khu đất để góp vốn liên doanh là vi phạm Luật đất đai 2013. Công ty Bò sữa bàn giao đất cho để hợp tác sản xuất nông nghiệp khi chưa được UBND TP chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất là vi phạm về mục đích sử dụng đất.
SAGRI sử dụng các mặt bằng, nhà đất hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng, giữ hộ hàng hóa nhưng thực chất là cho thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích, là sử dụng không đúng phương án xử lý tổng thể nhà, đất của UBND TP.HCM, không đúng đối tượng, mục đích sử dụng đất theo quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND TP.HCM và không đúng Luật Đất đai.
Đặc biệt SAGRI không thực hiện thuê công ty thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Phước Long B cho Tổng Công ty CP Phong Phú, là vi phạm Nghị định số 91 của Chính phủ.
SAGRI không không lập thủ tục đề nghị cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi dự án được điều chỉnh quy hoạch với các chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao... có thay đổi so với ban đầu, là không thực hiện theo quy định Thông tư của Bộ Tài chính về thu tiền sử dụng đất. 

 

Trụ sở SAGRI

 


SAGRI ký hợp đồng ủy quyền cho Tổng Công ty CP Phong Phú ký kết với khách hàng đặt mua nhà và việc Tổng Công ty CP Phong Phú ký 77 hợp đồng vay vốn, đặt cọc, mua nhà liền kề trong khi dự án đầu tư chưa được lập, phê duyệt, chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật, là không đúng Nghị định số 71/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, quy định về huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở. 
SAGRI đã ủy quyền cho Tổng Công ty CP Phong Phú tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà ở tại dự án, trên thực tế, Phong Phú đã ký các hợp đồng huy động vốn (thực chất là phân lô bán nền) từ năm 2012. Do đó, việc SAGRI có công văn gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng cam kết chưa huy động vốn từ khách hàng để thực hiện dự án với mọi hình thức, là báo cáo không trung thực với UBND TP.HCM, có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc thực hiện các hợp đồng giữa SAGRI và Tổng Công ty CP Phong Phú. 
Việc SAGRI chuyển nhượng 28% phần vốn góp (thực chất chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) cho Tổng Công ty CP Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá thị trường, là không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 91/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Luật số 69/2014/QH13 năm 2014 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đối với Dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò, SAGRI đồng ý cho Tổng Công ty CP Phong Phú thay thế Công ty Hồng Lĩnh và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty CP Phong Phú để tiếp tục thực hiện dự án nhưng không xin ý kiến của UBND TP.HCM là thực hiện không đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM
Qua rà soát hồ sơ dự án chưa thực hiện hạ tầng kỹ thuật (chỉ san lấp một phần diện tích khoảng 30ha/89ha), do đó không đủ điều kiện chuyển đổi chủ đầu tư.
Dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện, là lãng phí đất đai, theo khảo sát hiện trạng khu đất diện tích 890.444m2 có vị trí nằm trong khu vực khu dân cư hiện hữu nên cần xem xét lại chủ trương xây dựng cụm công nghiệp trong khu dân cư. Thực hiện theo Nghị định số 167/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, SAGRI phải có phương án sử dụng đất trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Về việc chuyển nhượng đất tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, người đại diện vốn SAGRI thực hiện biểu quyết việc chuyển nhượng tổng diện tích hơn 3,6ha tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tại Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn, trước khi có tờ trình báo cáo xin ý kiến Hội đồng Thành viên Tổng Công ty, là vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang.
Theo kết luận thanh tra, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn – FORIMEX (SAGRI góp 26,21% vốn) còn bán hơn 3,6ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường của khu đất là khoảng 3 triệu đồng/m2. 

 

Tin liên quan
Tin khác