Sức khỏe doanh nghiệp
Saigontel: Hai dự án tại tỉnh Thái Nguyên đội vốn và phải kéo dài thêm 2 năm
Duy Bắc - 11/07/2023 10:33
CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - sàn HoSE) thông qua điều chỉnh vốn đầu tư và thời gian đầu tư dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2.

Cụ thể, Saigontel thông qua việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Phú 1, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư tăng từ 496 tỷ đồng lên 647,6 tỷ đồng (tăng 151,6 tỷ đồng) và kéo dài thời gian triển khai từ năm 2021 đến hết năm 2023 sang thời gian từ năm 2021 đến năm 2025, trễ hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Đồng thời, Công ty cũng thông qua điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Phú 2, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư tăng 403,4 tỷ đồng lên 563,4 tỷ đồng (tăng 160 tỷ đồng) và kéo dài thời gian triển khai từ năm 2021 đến năm 2023 sang thời gian mới từ năm 2021 đến năm 2025, tức trễ 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Trong đó, lý do hai dự án đội vốn và kéo dài hơn thời gian triển khai do thời điểm điều chỉnh, giá chi phí nguyên vật liệu, san lắp cũng như các chi phí liên quan khác có sự biến động tăng, dự án cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế triển khai.

Theo tìm hiểu, tính tới cuối năm 2022, dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 đã giải phóng mặt bằng được 80 ha trên tổng diện tích 131 ha, kế hoạch năm 2023 sẽ giải phóng mặt bằng thêm 28 ha còn lại của Tân Phú 1 và đạt 80% diện tích giải phóng mặt bằng dự án Tân Phú 2, tương đương 45,2 ha. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công Thương – Chi nhánh Bắc Ninh cấp hạn mức tín dụng 720 tỷ đồng để triển khai dự án.

Lợi nhuận giảm 97,1% trong quý I/2023, về 5,56 tỷ đồng

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Saigontel ghi nhận doanh thu đạt 93,38 tỷ đồng, giảm 77,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 5,56 tỷ đồng, giảm 97,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 58,4% về còn 44,9%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 82,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 197,99 tỷ đồng, về 41,89 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 16,6%, tương ứng tăng thêm 0,85 tỷ đồng, lên 5,98 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 6,3%, tương ứng tăng thêm 1,02 tỷ đồng, lên 17,34 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 31,5%, tương ứng tăng thêm 6,03 tỷ đồng, lên 25,2 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, Saigontel ghi nhận lỗ 0,65 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 204,39 tỷ đồng, tức tăng 205,04 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý đầu năm 2023, lợi nhuận gộp của Saigontel tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Công ty chia sẻ thêm, doanh thu sụt giảm mạnh trong quý đầu năm do doanh thu hoạt động thương mại – dịch vụ; và hoạt động cho thuê đất, văn phòng & nhà xưởng đều suy giảm mạnh.

Trong năm 2023, Saigontel đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.750 tỷ đồng, tăng 89,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 412 tỷ đồng, tăng 282,9% so với thực hiện trong năm 2022.

Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 7,03 tỷ đồng, Saigontel chỉ mới hoàn thành 1,7% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 412 tỷ đồng trong năm 2023.

Được biết, trước đó trong năm 2022, Saigontel đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính, Công ty ghi nhận doanh thu 1.453,97 tỷ đồng, hoàn thành 58,16% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ghi nhận 107,65 tỷ đồng, hoàn thành 35,88% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh

Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc, trong quý I/2023, dòng tiền kinh doanh chính của Saigontel còn ghi nhận âm 97,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 80,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 74,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 275,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Saigontel tăng 5,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 313,4 tỷ đồng, lên 5.801,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.051,5 tỷ đồng, chiếm 35,4% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.386,7 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1,376,8 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn tăng 6,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 129,5 tỷ đồng, lên 2,051,5 tỷ đồng; tồn kho tăng 2,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 38,5 tỷ đồng, lên 1.386,7 tỷ đồng …

Đặc biệt, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 14,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 275,5 tỷ đồng, lên 2.181 tỷ đồng và chiếm 37,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn lên tới 1.705,3 tỷ đồng và nợ vay dài hạn ghi nhận 475,7 tỷ đồng.

Huy động từ 3.500 đến 4.000 tỷ đồng từ bên ngoài

Để có thể đáp ứng nhu cầu vốn triển khai đồng bộ các dự án, Saigontel cho biết mục tiêu trong năm 2023 sẽ thu xếp nguồn vốn khoảng từ 3.500 tỷ đồng đến 4.000 tỷ đồng thông qua việc tăng vốn cũng như huy động vốn từ các đối tác chiến lược, vay ngân hàng, các định chế tài chính hoặc hợp tác đầu tư để tiến hành triển khai các dự án và bổ sung vốn kinh doanh.

Trong đó, Saigontel dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương ứng 67,6% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành), ủy quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán và dự kiến triển khai trong năm 2023.

Số tiền huy động từ đợt chào bán riêng lẻ, Công ty dự kiến sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh; tái cơ cấu lại các khoản vay nợ; tăng quy mô hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết.

Tin liên quan
Tin khác