Y tế - Sức khỏe
Sâm Plus S’body Green, Vạn Xuân Tố Nữ Plus vi phạm quy định về quảng cáo
D.Ngân - 19/04/2024 08:27
Các sản phẩm Sâm Plus S’body Green, Vạn Xuân Tố Nữ Plus bị Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo vì vi phạm quy định về quảng cáo

Qua công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát hiện website: vanxuantonuplus.vn quảng cáo phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Vạn Xuân Tố Nữ Plus, website duocphamthanhmong.com quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S’body Green vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Ảnh minh họa.

Cục An toàn thực phẩm cho rằng, các quảng cáo nêu trên gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S’body Green và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus do Công ty TNHH Dược phẩm Thanh Mong Pharma (địa chỉ: Mỹ Gia 3-24, Vinhomes Bến Đoan, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) công bố, chịu trách nhiệm sản phẩm và đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Mong, Giám đốc Công ty khẳng định Công ty không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S’body Green, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn.

Hiện nay, 2 trang web nêu trên đã bị khóa. Dù vậy Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Cũng về vi phạm về chất lượng thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia về việc sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia, sản phẩm nêu trên có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm chưa cấp Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Detox Táo.

Trước đó, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm Detox cơ thể có chứa chất cấm Sibutramine.

Bệnh nhân là P.T.H (nữ, 26 tuổi) có tiền sử giảm tiểu cầu vô căn 11 năm, đã điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 2 năm.

Theo bệnh nhân H, vì có nhu cầu giảm cân, chị H. mua sản phẩm có tên gọi Detox Táo về sử dụng. Trong 1 lọ sản phẩm có 2 loại viên giống thuốc màu vàng và xanh, chị uống sản phẩm trong 10 ngày có hiện tượng bị đau dây chằng, sau 2 tuần sử dụng, mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn.

Ngày 28/3 chị H. xuất hiện 2 cơn giảm thị lực, được chuyển vào Trung tâm Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, hình ảnh tổn thương lồi thể chai, chị H. được theo dõi do ngộ độc.

Khai thác tiền sử bệnh nhân, các bác sĩ được biết chị H. có uống thuốc giảm cân có tên Detox Táo. Xét nghiệm loại thuốc này phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine. Chị H. sau đó được chuyển sang Trung tâm Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H. mới sử dụng sản phẩm giảm cân khoảng 10 ngày đã có các biểu hiện về thần kinh, mắt, tổn thương não rất rõ ràng, nếu dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh nhân H. mua sản phẩm này trên mạng được quảng cáo là để giảm cân và trong sản phẩm này có chất cấm Sibutramine. Sibutramine là một loại chất đã bị cấm sử dụng trên người, vì chất này có thể gây những tổn thương ở người, gây nguy cơ đột quỵ não, đau thắt, nhồi máu cơ tim.

Cũng theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, thực tế đã ghi nhận nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng trộn những loại chất độc hại bị cấm sử dụng, hoặc trộn những chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng không đảm bảo.

Riêng tại Trung tâm Chống độc của BV Bạch Mai, trước đây đã tiếp nhận những trường hợp ngộ độc những loại thực phẩm chức năng có chứa chất cấm.

Đã có trường hợp bệnh nhân hôn mê, co giật, tổn thương não và đã phải cấp cứu điều trị. Xét nghiệm những loại sản phẩm này thì có chứa chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe như Sibutramine, Phenolphtalein…

Thậm chí có những chất chỉ được phép có trong thuốc nhưng lại được cho vào trong thực phẩm chức năng, uống phải những chất này rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì hoàn toàn không thể kiểm soát chất lượng và liều lượng.

Cũng về ngộ độc thuốc giảm cân chứa chất cấm, trước đó không lâu, Cục An toàn thực phẩm phát đi cảnh báo về sản phẩm được quảng cáo là hỗ trợ giảm cân có tên gọi Feo dứa và viên uống thảo mộc Mộc slim chứa chất cấm Sibutramine.

Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Vì vậy, từ tháng 10/2010, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine.

Hiện tại, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa hoạt chất này.

Tin liên quan
Tin khác