Trong quý III/2022, Samland ghi nhận doanh thu đạt 2,43 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1,08 tỷ đồng so với cùng kỳ 0,76 triệu đồng, tức tăng khoảng 1,08 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 71,1% về chỉ còn 18,2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 74,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1,3 tỷ đồng về 0,44 tỷ đồng; chi phí tài chính ghi nhận âm 5,69 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận 0,02 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 87,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 1,44 tỷ đồng lên 3,09 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận âm 1,62 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận không đáng kể, tức giảm 1,62 tỷ đồng so với cùng kỳ; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Cơ cấu chi phí tài chính của Samland (Nguồn: BCTC). |
Được biết, chi phí tài chính âm trong quý III chủ yếu do Công ty hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán là 16,7 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận. Ngoài ra, Công ty cũng ghi nhận lỗ 10,65 tỷ đồng đầu tư chứng khoán so với cùng kỳ không ghi nhận.
Xóa toàn bộ lợi nhuận lũy kế từ trước tới nay
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 5,22 tỷ đồng, giảm 56,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 41,43 tỷ đồng, giảm 42,1 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nguyên nhân lỗ trong 9 tháng đầu năm chủ yếu do kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm 2,95 tỷ đồng, công ty bất ngờ ghi nhận chi phí tài chính tăng đột biến lên 24,69 tỷ đồng và các nguyên nhân khác.
Với việc ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm, tính tới 30/9/2022, lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối đã chuyển từ dương 29,4 tỷ đồng sang âm 11,97 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã xóa toàn bộ lợi nhuận lũy kế từ trước tới nay và bắt đầu ghi âm.
Được biết, trong năm 2022, Samland đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng 635% lên 43,85 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm, Công ty cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm tài chính.
Tăng tiền bắt đáy cổ phiếu dẫn tới phải trích lập 14,3 tỷ đồng
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Samland giảm 1,2% so với đầu năm về 1.251,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn đạt 621,8 tỷ đồng, chiếm 49,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 451,4 tỷ đồng, chiếm 36,1% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 122,1 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 18,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 27,7 tỷ đồng về 122,1 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 11,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 56,4 tỷ đồng về 451,4 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn tăng 14,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 80,6 tỷ đồng lên 621,8 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, Samland đã tăng giá trị gốc đầu tư chứng khoán từ 62,9 tỷ đồng lên 84,2 tỷ đồng, tức tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán thêm 21,3 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán là 14,3 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 17% tổng danh mục đầu tư cổ phiếu.
Tài sản dở dang tính tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC). |
Ngoài ra, chi phí sản xuất dở dang tăng trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ dự án Khu dân cư Nhơn Trạch. Trong khi đó, dự án chung cư Samland Riverside tiếp tục ghi nhận 126,99 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm.
Xét về nợ vay, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 8,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 33,7 tỷ đồng lên 415,4 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn tăng thêm 384,6 tỷ đồng lên 415,4 tỷ đồng và vay dài hạn giảm 350,9 tỷ đồng về 0 tỷ đồng.
Cơ cấu nợ vay ngắn hạn tính tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh vay ngắn hạn chủ yếu 187,5 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Á; 161,1 tỷ đồng là trái phiếu SLDCH2123001; 50 tỷ đồng tại CTCP Sacom Tuyền Lâm; 16,8 tỷ đồng tại CTCP Chứng khoán Thành Công.
Trong đó, dư nợ tại Công ty chứng khoán có kỳ hạn 3 tháng, thế chấp bằng tài sản là toàn bộ số dư, chứng khoán trên tài khoản. Nhiều khả năng khoản vay tại công ty chứng khoán là sử dụng tài khoản ký quỹ.
Dự án Samland Riverside tiếp tục chậm triển khai
Về định hướng phát triển, trong năm 2022, Công ty tiếp tục triển khai các chiến lược kinh doanh, đặc biệt là chiến lược phát triển tìm kiếm quỹ đất. Tập trung triển khai các thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng các dự án Samland Riverside; Dự án Nhơn Trạch 55,2 ha; dự án Phú Hữu Gia…
Bên cạnh đó, Công ty sẽ tăng cường tìm kiếm các quỹ đất nhằm phát triển phân khúc bất động sản trung bình và cao cấp tại TP. HCM và các tỉnh thành lân cận.
Tuy nhiên, tới 30/9/2022, giá trị chi phí sản xuất kinh doanh Dự án chung cư Samland Riverside vẫn duy trì 126,99 tỷ đồng so với đầu năm 126,4 tỷ đồng; dự án Khu dân cư Nhơn Trạch ghi nhận 494,8 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng so với đầu năm.
Được biết, đây là hai dự án điểm của Samland, đã triển khai nhiều năm, nhưng không hoàn thành và chậm tiến độ kéo dài. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của SAM Holdings (mã SAM), Công ty mẹ của Samland, nhiều cổ đông thắc mắc về tiến độ 2 dự án điểm nói trên.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc chia sẻ: Dự án Samland Riverside đã đóng hầm, do 3 năm qua thủ tục hành chính liên quan tới dự án công, liên quan tới định giá và đấu giá, nhiều dự án bất động sản liên quan tới đất công ở TP. HCM bị dừng lại, Công ty đang tìm giải pháp tháo gỡ. Ông Việt Anh cho biết, về cơ bản dự án có khả năng hoàn thành và có thể triển khai trong năm 2022.
Vớ dự án Nhơn Trạch, dự án đang tiến hành và có thể mở bán được. Tuy nhiên, Công ty sẽ tập trung vào dự án khu đô thị vệ tinh sau khi TP. Thủ Đức và sân bay Long Thành phát triển, dự án này nằm ngay trung tâm và đô thị vệ tinh, nếu bán ngay có 10-20% lợi nhuận, nếu chọn thời điểm thuận lợi, lợi nhuận sẽ nhân lên nhiều lần.
Hiện tại, dự án đã giải phóng được 75%, đủ điều kiện phân ra 4 kỳ để bán, đặt mục tiêu quý II/2022 đền bù xong 100% diện tích.