Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) lại vừa phát đi thông báo rằng, Ban đang phối hợp với Samsung International Procument Center (SIPC) tìm kiếm doanh nghiệp nội địa tham gia làm nhà cung ứng cho Tập đoàn Điện tử Samsung (Hàn Quốc).
Không ngừng mở rộng sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam, nên Samsung không ngừng tìm kiếm nhà cung cấp nội địa |
Các lĩnh vực được mời chào bao gồm nhóm Cơ khí (Mechanical); Điện (Electrical); Nhóm Lắp ráp (Assembly); Nhóm Vật liệu phụ (Sub Material); và Nhóm Nguyên vật liệu thô (Raw Materials).
Cụ thể, với nhóm Cơ khí, các loại vật liệu được đề nghị là phun nhựa (Plastic Injection), in kim loại (Metal Stamping), tiện (Turning), láp truyền lực (Shaft), dập (Die-casting), tản nhiệt (Heat sink), ốc vít (Screw), linh kiện cao su (Rubber Part).
Với nhóm Điện, là bảng mạch in cứng (PCB), bảng mạch in dẻo (FPC), cáp (Cable), đầu nối (Connector), mạch RLC (RLC), cáp nguồn (Power Cord), cụm dây (Harness), công tắc (Switch), pin (Battery), mô tơ (Motor), cuộn dây/lò xo (Coil), cảm biến (Sensor), biến thế (Transformer).
Nhóm Lắp ráp (Assembly), Samsung cần các doanh nghiệp có thể lắp ráp PCB (PCB Assembly), khung cơ khí (Mechanical Assay), module điện tử (Electrical Module), cụm điều khiển từ xa (Remocon Assay).
Còn
Trong khi đó, với nhóm Vật liệu phụ (Sub Material), các nhà cung cấp băng dính (Tapes), linh kiện đóng gói (Packing Parts), túi PE (PE bags), tấm phủ (Cover sheet), đệm (Cushion), hộp carton (Carton Box), sách hướng dẫn sử dụng (Manual) sẽ có cơ hội.
Còn với nhóm Nguyên vật liệu thô (Raw Materials), là hạt nhựa (Plastic Resin), lò xo thép (Steel Coil), giấy cuộn (Paper Liner), giấy phương tiện (Paper Medium).
Theo thông tin từ SHTP, các doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đăng ký về Ban. Thời gian đợt 1 từ nay đến hết ngày 12/3/2015. Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện sẽ tiếp tục có buổi làm việc trực tiếp với SIPC và Ban Quản lý vào trung tuần tháng 03/2015 tại SHTP.
Cuối năm 2014, SHTP cũng đã phối hợp với SIPC tổ chức tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Kết quả, có 30 doanh nghiệp đăng ký, trong đó là 15 doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, trong hai ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Samsung Electronics Việt Nam tổ chức đưa đoàn gồm khoảng 20 doanh nghiệp Việt đến thăm 8 nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của Samsung trong lĩnh vực điện tử và cơ khí, nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng phụ kiện cho tập đoàn.
Đây là hoạt động mới nhất của Samsung trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Thông tin từ Samsung Electronics Việt Nam cho biết, hiện nay, Samsung đã và đang mở rộng các nhà máy tại Việt Nam, với các sản phẩm được sản xuất đều là những mẫu điện thoại mới thuộc phân khúc cao cấp nhất của Samsung.
Trong thời gian tới, Samsung vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất điện thoại tại Việt Nam, đồng thời luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, nếu đáp ứng được 3 tiêu chí về Chất lượng - Thời gian vận chuyển - Giá cả.
“Chúng tôi kỳ vọng sau chuyến thăm vừa qua, các doanh nghiệp Việt sẽ gửi lại bản đăng ký cung cấp linh kiện cho Samsung và gửi về phòng dự án của Rập đoàn. Phòng Mua sắm của Samsung Electronics Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tối đa, nếu các doanh nghiệp Việt đáp ứng đủ điều kiện làm nhà cung ứng của Samsung”, o6ng Jang Hoyoung, Tổng giám đốc Bộ phận Mua hàng của Samsung Việt Nam cho biết.
“Samsung không hề phân biệt khi mua linh kiện của nhà cung ứng Hàn Quốc, hay của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được với giá thành hợp lý và đáp ứng thời hạn giao hàng, Samsung sẵn sàng hợp tác”, ông Jang khẳng định.
Tháng 9 năm 2014, Samsung đã tổ chức một hội thảo tại Hà Nội nhằm tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện địa phương. Năm 2015, Samsung dự kiến sẽ tổ chức hội thảo tương tự vào trước tháng 6, với mong muốn tăng số lượng nhà cung cấp Việt trong chuỗi cung ứng của Samsung.
Hiện Samsung có 87 nhà cung ứng phụ kiện tại Việt Nam.
Nguyên Đức