Doanh nghiệp
Samsung Việt Nam: Từ cánh đồng trống trơn đến chiếc điện thoại thứ 1 tỷ
Nguyên Đức - 14/05/2018 21:14
Sau 10 năm đầu tư lớn ở Việt Nam, Samsung đã làm nên kỳ tích khi biến những cánh đồng trống trơn trở thành những khu tổ hợp công nghệ khổng lồ, thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, với triển vọng đạt mức 1 tỷ chiếc điện thoại trong thời gian tới…

Từ quyết định lịch sử

Gần một tháng trước đây, Samsung Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty Samsung Electronics Việt Nam, đồng thời đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển và đầu tư quy mô lớn của Samsung tại Việt Nam. Nói đúng hơn, là kỷ niệm 10 năm Samsung lập kỳ tích ở Việt Nam. 

Một buổi lễ được tổ chức trang trọng, hoành tráng và sôi động. Và ở đó, có hai vị khách mời đặc biệt, ngồi lặng lẽ mỉm cười. Đó là ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina và ông Vũ Đức Quyết, Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh. Không nhiều người biết, họ chính là những người có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự hình thành của nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh 10 năm trước đây. 

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Shim Won Hwan đón nhận Bằng khen của Chính phủ do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trao

Ông Nguyễn Văn Đạo, khi ấy đang là Phó tổng giám đốc của Samsung Vina - liên doanh mà Samsung thành lập tại Việt Nam từ năm 1995, chuyên sản xuất tivi để cung cấp cho thị trường nội địa - chính là thành viên Việt Nam duy nhất tham gia “đội đặc nhiệm” (task force) từ Hàn Quốc sang khảo sát để tìm địa điểm xây dựng dự án sản xuất mới của Samsung. Còn ông Vũ Đức Quyết lúc ấy đang là Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh, là một trong những đại diện của chính quyền địa phương trực tiếp làm việc với Samsung về Dự án Samsung Electronics Việt Nam. 

Sau khi Samsung quyết định đầu tư tại Bắc Ninh dự án sản xuất điện thoại di động 670 triệu USD, sau hơn nửa năm trời khảo sát khắp trong Nam, ngoài Bắc ở Việt Nam, thì cũng chính ông Đạo và ông Quyết là những người chịu trách nhiệm lo thủ tục để Samsung có thể nhận giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 25/3/2008 và rất nhanh sau đó, khởi công xây dựng, để tới tháng 4/2009, chính thức đi vào sản xuất.

“Tôi còn nhớ có chuyến công tác tại Hàn Quốc, tôi và ông Vũ Đức Quyết đã gần như phải thức thâu đêm để thảo luận, sửa đổi rồi xin ý kiến từ Việt Nam về các vấn đề liên quan đến dự án. Thật mừng là cuối cùng Samsung quyết định đầu tư ở Việt Nam, một quyết định lịch sử, đồng thời cũng là một quyết định táo bạo đưa đến sự hình thành Khu tổ hợp Samsung với tầm vóc như hiện nay, cũng như góp phần tạo nên những thành công của Samsung trên toàn cầu”, ông Đạo chia sẻ.

Ấy là ông Đạo muốn nhắc đến câu chuyện từ hơn 10 năm trước, khi mà tương lai của thị trường smartphone ra sao còn chưa rõ ràng, các nhà sản xuất vẫn còn đang lấn cấn với hệ điều hành và thị phần của smartphone mới chỉ chiếm khoảng 10%. Vậy nhưng, Samsung đã quyết định đầu tư một dự án lớn ở Việt Nam, dựa trên những dự báo về sự phát triển mạnh mẽ của thị trường smartphone toàn cầu, cùng với quyết tâm dẫn đầu xu thế này. Và kết quả, còn hơn cả mong đợi, Samsung đã trở thành nhà sản xuất thiết bị di động đứng đầu thế giới, còn Samsung Việt Nam là cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu của Samsung.

Bởi thế, có mặt ở Bắc Ninh hôm Samsung Electronics Việt Nam kỷ niệm 10 năm thành lập, ông Đạo rất vui khi chứng kiến “cơ ngơi” khổng lồ của khu tổ hợp này. Ông bảo, những gì mà Samsung đang làm ở Việt Nam thậm chí còn “hơn cả giấc mơ” của ông. Hồi năm 1998, khi đến thăm một khu phức hợp của Samsung ở Malaysia, với 3 nhà máy được xây dựng liên hoàn sát nhau, ông đã khát khao cháy bỏng rằng, Việt Nam sẽ có được những mô hình sản xuất quy mô lớn và khép kín như thế. Và ước mơ đó đã trở thành sự thật, thậm chí còn lớn hơn thế.

Cũng như ông Đạo, hẳn nhiên ông Vũ Đức Quyết cũng đã rất vui mừng khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Samsung Electronics Việt Nam ngày hôm nay. Sau này, không còn làm việc ở Ban Quản lý khu công nghiệp Bắc Ninh nữa, mà đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sở Công thương. Ở cương vị mới, ông Quyết vẫn luôn đồng hành với Samsung trong những lần đi khảo sát, tìm kiếm nhà cung cấp.

“Những gì mà Samsung làm được cho Bắc Ninh đã vượt hơn rất nhiều so với tưởng tượng ban đầu của tôi. Samsung Bắc Ninh hiện đóng góp tới 40% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Khi Samsung mới vào, cũng nhiều người có ý kiến này nọ về việc không hiểu họ có đóng góp được gì cho địa phương không, nhưng giờ thì tất cả mọi người đều đã thấy rõ. Vì thế, điều quan trọng là phải có lòng tin ở các nhà đầu tư, họ sẽ đền đáp cho chúng ta”, ông Quyết mỉm cười.

Hướng tới chiếc điện thoại thứ 1 tỷ

Bồi hồi nhớ lại câu chuyện của 10 năm trước, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã kể rằng: “Khi xúc xẻng đất đầu tiên trên cánh đồng rộng mênh mông ở đây, chúng tôi đã quyết tâm xây dựng nhà máy này thành nhà máy điện thoại di động hàng đầu thế giới. Thời điểm đó, ít người có thể dự đoán được Samsung Việt Nam có thể lớn mạnh và phát triển như ngày hôm nay”.

Đó cũng là điều được ông Koh Dong Jin, Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn Samsung Electronics khi tới Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Samsung Electronics Việt Nam, đã nhắc đến. Ông Koh đã nói về chuyện Samsung đã biến một cánh đồng trống trơn trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu trên thế giới. Và ở đó, những chiếc điện thoại được sản xuất ra trong vòng 10 năm qua “có triển vọng sẽ đạt mức 1 tỷ chiếc” trong thời gian ngắn sắp tới. “Kết quả của quá trình đó là Samsung đã giữ vững được vị thế số một không hề suy chuyển trên thị trường điện thoại di động thế giới vốn đầy khắc nghiệt”, ông Koh Dong Jin nói.

1 tỷ chiếc điện thoại, đó là một con số khổng lồ, mà chắc chắn trước đây, không một người Việt Nam mà nào dám nghĩ đến. Việt Nam đã thực sự trở thành cứ điểm sản xuất thiết bị di động hàng đầu thế giới.

Samsung đã đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để dự báo về xu thế phát triển trong tương lai. Tới đây, IoT sẽ được đưa vào tất cả các sản phẩm.

10 năm trước, Khu công nghiệp Yên Phong, nơi đặt nhà máy của Samsung quả thực vẫn là một cánh đồng trống trải, mới chỉ có lác đác vài nhà máy quy mô nhỏ được xây dựng. Còn Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) 5 năm trước, khi Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên được khởi công, mênh mông là đồng đất hoang vu, chưa hề có nhà máy, đến cả con đường từ quốc lộ vào khu công nghiệp cũng chưa hình thành. Nhưng nếu hôm nay quay trở lại, ở cả Bắc Ninh hay Thái Nguyên, đều thấy choáng ngợp bởi độ hoành tráng và hiện đại của các khu tổ hợp này. Samsung Việt Nam đã phát triển ngày một lớn mạnh, cùng với quá trình tăng vốn đầu tư không ngừng nghỉ.

Từ con số ban đầu chỉ 670 triệu USD, vốn đầu tư hiện nay của các khu tổ hợp của Samsung tại Việt Nam đã lên tới trên 17,3 tỷ USD và hầu hết trong số này đã được giải ngân. Năm 2008, số lượng nhân lực mới chỉ vỏn vẹn 589 người, nhưng nay, chỉ tính riêng hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã là 110.000 người, còn nếu tính tổng cộng tất cả các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, con số lên đến 170.000 người.

“Niềm vui đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD vào tháng 9/2010, chỉ 2 năm 6 tháng sau khi nhà máy đi vào hoạt động, dường như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua. Vậy mà đến năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của riêng hai nhà máy Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh đã đạt tới 40 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung tại Việt Nam đã lên tới 54,4 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước”, ông Shim Won Hwan tự hào nói.

Vì những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, Samsung đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến thiết tương lai

Một cách thành thật, ông Shim Won Hwan đã nói rằng, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, ông có cảm giác “giống như một giấc mơ” và “thành quả mà Samsung đạt được thực sự như một kỳ tích”. Nhưng khi mà 10 năm đã trôi qua trong… nháy mắt, thì bây giờ là lúc “kiến thiết tương lai” cho 10 - 20 năm tới.

Tương lai ấy, đã được ông Koh Dong Jin chia sẻ rất rõ ràng. Thời gian qua, Samsung Electronics đã gây dựng tại Việt Nam nền tảng chế tạo cho lĩnh vực điện tử, không chỉ điện thoại di động, mà còn cả ti vi, đồ điện tử gia dụng, thiết bị network và cả linh phụ kiện. Trong tương lai, Samsung sẽ đưa các nhà máy tại Việt Nam trở thành các đơn vị có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, với việc không ngừng phát triển công nghệ, cải tiến chất lượng và liên tục bồi dưỡng nhân tài.

“Thông qua đó, nhà máy tại Việt Nam sẽ sản xuất những sản phẩm đa dạng để có thể đón đầu thời đại IoT (Internet of Things), trong đó có smartphone và dẫn đầu trình độ công nghệ chế tạo tương lai trên toàn thế giới. Xa hơn nữa, tôi kỳ vọng sẽ tạo ra những tầm nhìn có thể đóng vai trò quan trọng khi mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đến gần”, ông Koh Dong Jin nói.

Samsung, sau một thời gian phát triển vượt bậc, đang ở vị trí dẫn đầu. Và bởi đang dẫn đầu, nên sẽ trở thành người dẫn hướng tương lai và vì thế, phải đi trước một bước. Để làm được điều đó, Samsung đã đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để dự báo về xu thế phát triển trong tương lai. Tới đây, IoT sẽ được đưa vào tất cả các sản phẩm, từ điện thoại, TV, đồ gia dụng…, từ đó tạo ra smartHome, smartOffice… Cả công nghệ thực tế ảo, trí thông minh nhân tạo cũng đang được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng rất sớm trong các sản phẩm của Samsung.

Đã nghe nhiều người nói rằng, với Samsung, “không có gì là không thể”. Bởi thế, cứ tin tưởng và tiếp tục kỳ vọng, Samsung nói chung và Samsung Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục là người dẫn đầu.

Tin liên quan
Tin khác