Giá dầu tăng sốc, lo ngại về một cú sốc đình lạm đã kéo theo đợt bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu |
“Sốc” với giá dầu và cuộc chiến tại Ukraine, loạt sàn chứng khoán lao dốc
Sau ngày cuối tuần tạm nghỉ, thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt rơi mạnh. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, xu hướng tăng cao của giá hàng hóa, lo ngại về một cú sốc đình lạm đã châm ngòi đợt bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu.
Sàn chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 3,9%. Một số thị trường khác cũng bốc hơn trên 3% như Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan. Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,94%, trong khi chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng giảm 2,29%.
Các sàn chứng khoán châu Âu vừa mở cửa cũng giao dịch hết sức tiêu cực khi “bốc hơi” tới 5-6%. Còn thị trường chứng khoán Nga đã ngưng giao dịch từ ngày 25/2.
Trong khi đó, VN-Index đóng cửa chỉ giảm 0,42%, mức giảm khiêm tốn trong phiên đỏ lửa hôm nay, nhưng cũng khiến chỉ số sàn HoSE một lần nữa tuột khỏi mốc 1.500 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,28 điểm xuống 1.499,05 điểm.
HNX-Index thậm chí còn tăng 2,27 điểm (0,5%) lên 452,86 điểm. UPCoM-Index cũng chỉ giảm 0,07 điểm (-0,06%) xuống 113,22 điểm.
Số lượng các mã tăng giá lớn hơn nhiều số mã giảm giá. Toàn sàn có 489 mã tăng, 90 mã tăng trần, trong khi chỉ có 391 mã giảm và 11 mã giảm sàn.
Tuy nhiên, các cổ phiếu vốn hoá lớn lại lao dốc mạnh, đặc biệt là nhóm nhà băng. Dòng ngân hàng đồng loạt lao dốc, trừ cổ phiếu EIB đóng cửa tăng 5,87%. Cổ phiếu nhà Vingroup cũng giao dịch tiêu cực. VRE và VHM lần lượt giảm 2,5% và 2,18%, còn VIC cũng đóng cửa giảm 0,63%.
VHM đứng đầu trong nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index. Cùng đó, nhóm ngân hàng cũng góp nhiều “gương mặt” như BID, CTG, ACB, TPB, MBB, TCB.
Ở chiều ngược lại, điểm sáng giữ chỉ số sàn HoSE không rơi sâu là nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất. Loạt cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hoá ngược dòng thăng hoa, thậm chí xác lập kỷ lục giá mới.
Giá hàng hoá tăng cao khiến dòng tiền đang tập trung mạnh về các doanh nghiệp dầu khí, cao su, phân bón, thép. Cổ phiếu GAS là đầu tàu góp tới gần 3,38 điểm tăng cho VN-Index. Ông lớn họ dầu khí chỉ còn cách đỉnh giá cũ xác lập hôm 28/10/2021 vài trăm đồng. Tương tự, trên sàn HNX, cổ phiếu PVS góp 1,16 điểm tăng trong tổng mức tăng 2,27 điểm của chỉ số chung.
Loạt cổ phiếu phân bón gồm DPM, DCM, BFC, LAS… kết phiên tăng kịch biên độ.
Cổ phiếu khác ngành hoá chất là DGC tăng 6,9% lên 189.900 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất trong lịch sử giao dịch cổ phiếu này. Mới đây, Hóa chất Đức Giang đề ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, tăng 39%. HĐQT Công ty cũng đề xuất mức chia cổ tức năm 2021 là 127%, trong đó đã tạm ứng 10% bằng tiền và trả thêm 117% bằng cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng mạnh, tập trung ở chứng chỉ quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước và duy trì ở mức cao. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 37.921 tỷ đồng, tăng 6,6% so với hôm qua.
Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 35.946 tỷ đồng, tăng 8,4%. Giao dịch tập trung nhiều nhất ở cổ phiếu HPG với thanh khoản đạt trên 2.000 tỷ đồng. Phiên 3/3, giá trị giao dịch cổ phiếu HPG đã tăng lên đột biến lên 3.794 tỷ đồng. Số cổ phiếu được nhà đầu tư mua vào phiên trên sẽ về tài khoản vào ngày mai.
Cổ phiếu DGC tiếp tục thu hút được dòng tiền, đưa thanh khoản cổ phiếu này lên 757 tỷ đồng, đứng thứ hai về giá trị giao dịch trên sàn.
Khối ngoại trở lại bán ròng gần 1.463 tỷ đồng sau hai phiên mua vào cuối tuần trước. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất (hơn 340 tỷ đồng). Loạt cổ phiếu bất động sản cũng bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh, gồm NLG, VHM, NVL, VRE.
Các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng hôm nay cũng chỉ được mua khá khiêm tốn, nhiều nhất là SBT (48 tỷ đồng), DGC (46 tỷ đồng). Giá trị bán ròng trong phiên nay là mức cao nhất kể từ phiên bán ròng lớn gần 4.800 tỷ đồng hôm 19/1.