Dè chừng sức nóng tỷ giá
Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng khởi động tuần đầu tiên của quý II/2024 bằng một cột mốc quan trọng: vượt qua ngưỡng tâm lý 25.000 VND/USD và thiết lập những đỉnh lịch sử mới. Tăng 0,6% trong cả tuần, nhưng nhìn lại hơn 3 tháng qua, tỷ giá VND/USD đã tăng trên 2,9%, tương đương mức tăng của năm trước.
Cũng trong tuần đầu tiên của quý II, thị trường chứng khoán chứng kiến một nỗ lực “bắt đáy” bất thành trong phiên thứ Sáu (5/4). Nỗ lực lội ngược dòng bị dập tắt bởi áp lực bán mạnh, nhất là trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC). Tín hiệu trên, theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, là một cảnh báo thận trọng với các nhà đầu tư.
Tuần điều chỉnh của VN-Index xuất hiện khi lo ngại về rủi ro tỷ giá gia tăng. Trước đó, thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), cụ thể là hoạt động chào bán tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng cộng hút ròng hơn 170.000 tỷ đồng. Khối lượng trên gần bằng một nửa tổng giá trị tín phiếu phát hành kể từ ngày 21/9 đến 8/11/2023 (360.345 tỷ đồng). Tuy nhiên, hoạt động điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa hiện chưa cho thấy tác động tích cực lên tỷ giá như từng xảy ra trong quý III/2023.
Cùng biện pháp cũ, tỷ giá VND/USD tại ngân hàng chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt thật sự rõ ràng. Diễn biến tỷ giá cùng hoạt động phát hành tín phiếu hồi quý III/2023 từng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư do có những lo ngại về khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ (nhưng thực tế không diễn ra). Lo lắng “bổn cũ soạn lại”, tỷ giá bứt lên đã tác động không nhỏ tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và không loại trừ đã kích hoạt đà bán ra tuần vừa qua.
“Chỉ số VN-Index đang trong quán tính giảm ngắn hạn và có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/-10 điểm). Tuy vậy, nhà đầu tư chưa nên vội bắt đáy trong bối cảnh sức nóng tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và biến động thị trường đang ở mức lớn”, ông Hinh đưa ra khuyến nghị.
Ẩn số DXY và thời điểm Fed hạ lãi suất
Nhìn lại diễn biến tuần đầu tháng 4/2024, không riêng Việt Nam, tỷ giá giữa đồng tiền của nhiều quốc gia Đông Nam Á khác và USD đều tăng từ 0,5 đến 0,7%, điển hình kíp của Lào (+0,67%), kyat của Myanmar (+0,61%), peso của Philippines (+0,58%), baht của Thái Lan (+0,49%)…
Nếu tỷ giá VND/USD có thể giữ tương đối ổn định, tăng dưới 2%, sẽ không tác động quá nhiều, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá sâu. Trường hợp tỷ giá tăng trên 3%, sẽ tác động tới nền kinh tế khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp bất lợi hơn về mặt chênh lệch tỷ giá. Hơn nữa, tỷ giá biến động mạnh cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể làm cho nhà đầu tư nước ngoài rút bớt vốn.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBankS
Chỉ số DXY (thước đo giá trị sức mạnh USD, thể hiện tương quan với 6 loại tiền tệ khác) neo cao trên mốc 104 điểm. Đồng thời, sức mạnh của USD cùng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất là ẩn số được giới đầu tư toàn cầu quan tâm hàng đầu.
Công cụ FedWatch của CME Group - hiển thị ước tính dự báo tăng hoặc giảm lãi suất điều hành ở các phiên họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bất ngờ ghi nhận sự thay đổi đáng kể sau những tuyên bố từ các thành viên FOMC tuần trước.
Chủ tịch Fed Powell từng nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ đợi cho tới khi có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đã thực sự được kiểm soát, nhất là khi nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ vững chắc và thị trường việc làm vẫn còn rất mạnh với số lượng việc làm tạo thêm tháng 3 cao nhất trong 10 tháng.
Tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed hạ 25 điểm cơ bản đối với lãi suất điều hành tại cuộc họp giữa tháng 6/2024 đã giảm còn 46,2%, sau khi liên tục duy trì tỷ lệ “quá bán” các tháng qua. Trong khi đó, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất vọt lên 51,8%, cao hơn nhiều so với mức 39,6% cách đây một tuần.
Tuần này, giới đầu tư tập trung nhiều vào cuộc họp điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tìm kiếm tín hiệu rõ ràng hơn về khả năng ECB cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 6. Áp lực lạm phát chậm lại cùng với lập trường ôn hòa đang ủng hộ quan điểm trên. Tuy nhiên, sự phân kỳ trong điều hành chính sách tiền tệ tại hai ngân hàng trung ương lớn trên (nếu có) cũng có thể gây áp lực lên DXY.
Trước bối cảnh nhiều bất định, áp lực trên thị trường quốc tế vẫn còn là ẩn số, NHNN có những công cụ khác để điều hành như việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng.
Khẳng định mới nhất tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN khẳng định, NHNN coi các công tác điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung. “Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo điều hành để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và đảm bảo được mục tiêu ổn định, hài hòa, cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế”, Phó thống đốc nhấn mạnh.