Theo đó, có Top 10 sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu xuất sắc như Trường Hải Auto, Saigon Coop, Vinamilk, Yến Sào Khánh Hòa, Sabeco, cà phê Trung Nguyên, Traphaco, Văn phòng phẩm Hồng Hà….
Top 10 doanh nghiệp có sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa cao như: tập đoàn VLC, PVGas, Doji, Hương Sen, Sữa TH truemilk, Habeco, Giống cây trồng Thái Bình…
Top 80 doanh nghiệp thương hiệu tiêu biểu, như: Hapro, Casumina, Vissan, Vifon, Misa, Mỹ phẩm Lan Hảo, Xe đạp Thống Nhất…
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp có cơ hội đầu tư tốt hơn cho thị trường.
Riêng các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, sau 2 năm thực hiện cuộc vận động này, giá trị tiêu dùng các sản phẩm của nhau đã lên tới 71.000 tỷ đồng và có nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tới 60-70% sản phẩm của các doanh nghiệp khác.
Phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn đã ghi lại ý kiến của một số lãnh đạo của những thương hiệu Việt lần đầu được vinh danh tại sự kiện này. Trong đố nổi lên một ý chí rằng, đã đến lúc các sản phẩm Việt Nam không thể làm vợ lẽ tại chính thị trường trong nước, vốn là đại bản doanh của mình.
Ông Lê Hồng Quang, Giám đốc văn phòng Hà Nội Công ty Cổ phần MISA:
MISA là công ty duy nhất trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam được nhận thương hiệu Việt tiêu biểu lần đầu tiên sau 5 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Hiện sản phẩm phần mềm của Misa trong lĩnh vực doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trên cả nước. Cụ thể: trên 100.000 doanh nghiệp, 10.000/11.000 khối xã phường trên cả nước, 30.000/50.000 khối hành chính sự nghiệp.
Ông Lê Hồng Quang, Giám đốc văn phòng Hà Nội Công ty Cổ phần MISA |
Trong bối cảnh khó khăn vừa rồi, chúng tôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm. Nhưng mục tiêu giai đoạn 2015-2017, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng về phần mềm doanh nghiệp từ 200-300%/năm.
Hiện có nhiều đối thủ nước ngoài cùng khai thác phân khúc thị trường, nhưng khi họ cạnh tranh với MISA sẽ gặp bất lợi về giá cả, dịch vụ tiện tích, hỗ trợ sau bán hàng, ngôn ngữ,..
Đặc biệt, chúng tôi có lợi thế về tiếp cận lượng lớn doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và họ có thể sử dụng sản phẩm phần mềm miễn phí của MISA trong năm đầu tiên. Sau đó, chúng tôi có chính sách giá cả rất cạnh tranh để ưu tiên với khối khởi nghiệp này.
Xu thế công nghệ đang chuyển sang sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Vài năm trở lại đây, MISA đã đi đầu trong sự chuyển dịch xu hướng này.
Năm nay sản phẩm - dịch vụ của MISA sẽ tiến sâu vào điện toán đám mây và di động. Kỷ nguyên Điện toán đám mây đã mở ra và cơ hội chiếm lĩnh thị trường, dẫn đầu xu thế luôn dành cho những ai biết nắm bắt thời cơ và có một chiến lược đúng đắn. Dĩ nhiên, lúc này chúng tôi cần giải quyết thách thức khi người tiêu dùng vẫn e ngại vấn đề an toàn bảo mật thông tin, lưu trữ dữ liệu.
Bà Ngô Ngọc Hoa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TM – SX Anh Khoa:
Chúng tôichuyên sản xuất sản phẩm may mặc, với hai thương hiệu đồ lót Rock dành cho nam, Annie dành cho nữ.
Bà Ngô Ngọc Hoa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TM – SX Anh Khoa |
Hội nhập kinh tế đang tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo cơ hội đối với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết với người tiêu dùng, mỗi ngày chúng tôi sẽ cải thiện chất lượng.
Lợi thế lớn nhất của chúng tôi hiện là chất lượng sản phẩm dành cho người Việt Nam và Châu Á, cộng đồng Asean. Người tiêu dùng Việt Nam trong những năm qua đã hưởng ứng rất nhiều sản phẩm của chúng tôi.
Để đứng vững trên thị trường, chúng tôi cũng tự nói với doanh nghiệp mình, muốn chiến thắng trước hết cần cạnh tranh với bản thân mình trước.
Kế hoạch năm nay và 3 năm kế tiếp, chúng tôi tiếp tục nâng cấp, mở rộng rộng thị phần lên phân khúc trung bình khá, cao cấp, giữ thị trường nội địa, xuất khẩu sang khu vực Asean. Để làm được điều đó, chúng tôi cần có sự liên doanh, liên kết về công nghệ với bất cứ đối tác nào trên thế giới. Đã đến lúc sản phẩm Việt cần làm vợ chính thức trên sân nhà, hay xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình, không gia công…
Ông Mai Tấn Dũng, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao)
Những năm gần đây tăng trưởng của Thorakao tại thị trường trong nước là 30%, nhưng thị trường xuất khẩu vẫn là chủ lực.
Ông Mai Tấn Dũng, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) |
Chúng tôi nhanh chóng bắt kịp xu hướng ưa chuộng mỹ phẩm thiên nhiên của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Qua đó, tận dụng ưu thế nguồn nguyên liệu thiên nhiên tại chỗ để phát triển các dòng sản phẩm mới từ nguyên liệu bạc hà, hồi, nghệ, bồ kết, gừng, chanh, bưởi, dưa leo... hay chiết xuất từ nha đam, lô hội, cây chùm ngây, mủ trôm, bùn khoáng, tảo biển Spirulina...
Hơn 40 năm kinh nghiệm sản xuất mỹ phẩm, chúng tôi nhận thấy điều quan trọng nhất để sản phẩm đứng vững là uy tín chất lượng.
Chúng tôi vẫn sản xuất hai dòng sản phẩm chủ đạo dành cho da và tóc, nhưng sản phẩm dành cho da với dưỡng chất từ thiên nhiên là quan trọng nhất.
Bùi Phương Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon Việt Nam:
Cạnh tranh sản phẩm ngày càng khốc liệt với Vifon. Nhưng Vifon vẫn giữ vững trong những năm qua. Vifon hiện xuất khẩu 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nên chúng tôi khá tự tin về chất lượng và giá cả phù hợp người tiêu dùng trong nước.
Bùi Phương Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon Việt Nam |
Năm nay có nhiều thương hiệu trong và ngoài nước gia nhập thị trường nhưng Vifon sở hữu thế mạnh về mùi vị, hương vị mà các sản phẩm do doanh nghiệp nước ngoài làm rầm rộ ở Việt Nam nhưng chưa chắc hợp khẩu vị đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, Vifon mong nhà nước đưa ra các tiêu chí làm hàng rào kỹ thuật, bảo hộ sản phẩm trong nước, tăng trưởng ổn định.
Bởi lẽ, các sản phẩm Việt không thua kém chất lượng so với hàng nhập. Các sản phẩm Vifon chú trọng phát triển gồm: mỳ ăn kiền, phở, bún, hủ tiếu, cháo, nước tương tương ớt, bột cạnh, súp…
Hiện người tiêu dùng bắt đầu ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bảo vệ sức khỏe nên chúng tôi sẽ cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm liên quan đến gạo tốt cho sức khỏe.
Anh Hoa