Đầu tư
Sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi kinh tế
Hà Nguyễn - 30/11/2021 08:07
Dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 nếu đưa vào triển khai sẽ góp phần quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6-6,5% năm 2022.
Sản xuất tại nhà máy của Công ty Samsung Việt Nam.

Chuẩn bị nguồn lực chương trình phục hồi kinh tế

Một thông tin quan trọng vừa được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ. Đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành Dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, trình Chính phủ cho ý kiến và đang tiếp tục hoàn thiện để triển khai các bước tiếp theo, bao gồm trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương, đường hướng và trình Quốc hội để xem xét thông qua các giải pháp, cơ chế chính sách, đặc biệt là các giải pháp, chính sách liên quan đến tài khóa và tiền tệ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Theo dự kiến, tháng 12 tới, Quốc hội sẽ có phiên họp chuyên đề để thảo luận và thông qua một số vấn đề mang tính cấp bách cho quốc kế dân sinh. Và như thông tin từ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ không xem xét chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội, mà chỉ xem xét quyết định gói chính sách tài khóa và tiền tệ đối với chương trình này.

Trên thực tế, đây là vấn đề rất quan trọng, bởi ngay từ khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, một trong những câu hỏi đầu tiên luôn được đặt ra là lấy nguồn lực đâu để thực hiện? Ngay từ đầu, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây phải là một chương trình tổng thể với nguồn lực đủ lớn và thời gian phù hợp.

Cho tới thời điểm này, quy mô của Chương trình chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, các đề xuất của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, quy mô của gói hỗ trợ phải rất lớn.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6-6,5%. Đây là bước nhảy vọt 4% trên mức ‘nền’ thấp của năm 2021. Vì vậy, để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, khi phát biểu tại nghị trường Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV đã đề xuất nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang tính toán công cụ tài khóa để thực hiện cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính đang tính phương án phát hành trái phiếu chính phủ và công trái ngoại tệ để huy động khoảng 180.000 tỷ đồng tiền trong dân trong 2 năm.

Không những vậy, theo chia sẻ của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, không chỉ là chính sách tài khóa hay tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 5 nhóm chính sách trong một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế - xã hội.

Trong đó, chính sách đầu tiên là về phòng, chống dịch bệnh và y tế. Ngay cả nhóm chính sách này cũng sẽ bao gồm cả chính sách trong ngắn hạn và dài hạn, như chuẩn bị cơ sở y tế, trang thiết bị, máy móc, đào tạo nguồn nhân lực.

Nhóm giải pháp thứ hai là an sinh xã hội. Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp. Nhóm giải pháp thứ tư là kích cầu đầu tư công. Nhóm thứ năm là về quản lý điều hành, đảm bảo cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro. Thực hiện các nhóm chính sách này, ngoại trừ nhóm thứ năm, đều cần nguồn lực lớn để thực hiện.

Vì vậy, việc Quốc hội vào tháng 12 tới sẽ xem xét các cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu mọi việc thuận lợi, thì có thể bắt đầu triển khai các kế hoạch cho phục hồi kinh tế ngay từ đầu năm 2022.

Giải pháp “cộng thêm” và mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022

Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng, song theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây chỉ là giải pháp “cộng thêm”. Bởi thực tế, cùng với việc trình Quốc hội thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, với mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, Chính phủ cũng đã đề xuất 12 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu này.

“Để hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phải thực hiện quyết liệt và hiệu quả 12 nhóm giải pháp đã được Quốc hội thông qua. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp cộng thêm, nhằm tăng thêm hiệu ứng, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị xây dựng Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ, để Thủ tướng Chính phủ có thể sớm ký ban hành vào những ngày đầu năm 2022. Khi các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2022 được ban hành sẽ tạo nền tảng quan trọng để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhằm đưa nền kinh tế sớm về đích kế hoạch 2022.

“Có nhiều người hỏi, động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022 là gì, thì câu trả lời là không thể chỉ một động lực duy nhất có thể vực dậy nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cho rằng, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hay sản xuất nông nghiệp… đều là những động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Du lịch trước đây tăng trưởng 6%/năm, nhưng nay tăng trưởng âm. Nếu động lực dịch vụ này quay trở lại, thì chúng ta có thể yên tâm hơn về tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Dịch vụ hồi phục, thì sản xuất cũng sẽ tốt hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh vai trò của sức cầu nền kinh tế, bởi khi cầu nền kinh tế quay trở lại sẽ tác động tích cực tới khu vực sản xuất và dịch vụ.

Để kinh tế phục hồi, các giải pháp kích cầu tiêu dùng và đầu tư đã được các chuyên gia đề xuất. Trong các giải pháp tổng thể phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư công cũng đã được nhấn mạnh. Quan trọng hơn, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, giải pháp này có ý nghĩa “kép”, tức là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong gian đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa lâu dài là tạo ra các kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.

Thông tin cho biết, dự kiến, Kỳ họp chuyên đề của Quốc hội cũng sẽ xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Đây cũng chính là các giải pháp “cộng thêm” quan trọng, sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

 Cần có sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp tài khóa và tiền tệ.

- TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Đến thời điểm này, đa phần các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận về việc cần có một gói chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cao hơn. Nếu vận hành bình thường, nền kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi, các doanh nghiệp cũng vậy, nhưng chúng ta cần tốc độ phục hồi nhanh hơn, có được mức tăng trưởng cao hơn.

Quan điểm của tôi là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp tài khóa và tiền tệ. Trong đó, tài khóa phải đi trước một bước, chính sách tiền tệ có vai trò hỗ trợ tài khóa, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Đây là lý do tôi không đồng tình với yêu cầu hạ mặt bằng lãi suất, hay hạ chuẩn tín dụng, hạ dự trữ bắt buộc… Thay vào đó, nên sử dụng công cụ tài khóa, hỗ trợ bù lãi suất như phương án của Bộ Tài chính đang nghiên cứu, song cần rút kinh nghiệm từ gói kích cầu năm 2008-2009 để có cách làm khác.

Cụ thể, doanh nghiệp có dự án vẫn đến ngân hàng vay theo quy trình, thủ tục bình thường. Cuối năm, khi quyết toán thuế, các doanh nghiệp có khoản cho vay thuộc diện kích cầu được trừ phần lãi suất được cấp bù vào số thuế phải nộp. Như vậy, tuy nguồn gốc số tiền hỗ trợ lãi suất vẫn là từ ngân sách nhà nước, nhưng ngân sách không phải bỏ tiền ra ngay.

Cách này sẽ giảm nhiều thủ tục, nhiều công việc và cách thực hiện cũng đơn giản hơn so với việc để ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất theo danh sách được duyệt, rồi nhận phần bù hỗ trợ lãi suất khi ngân hàng quyết toán cuối năm.

Không để thủ tục là rào cản hiệu quả các chính sách tốt.

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Đề nghị trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội không có những thủ tục không cần thiết, bất hợp lý, thiếu tính khả thi.

Khảo sát doanh nghiệp cho thấy, cứ các chính sách nào không có thủ tục hành chính, được thực hiện theo điều kiện, tiêu chuẩn công khai, như giãn, hoãn nộp một số loại thuế, phí… thì hiệu quả ngay; còn các chính sách nhiều thủ tục, điều kiện, như cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương người lao động, không có kết quả tốt.

Bài học của các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 2 năm qua cho thấy rõ yêu cầu không để thủ tục là rào cản hiệu quả các chính sách tốt, thậm chí là nguyên nhân gây ra sự bất công bằng trong tiếp cận hỗ trợ, tiếp cận nguồn lực.

Vào thời điểm này, khi các kế hoạch phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời để đẩy nhanh, thì càng cần thực hiện ngay cả yêu cầu này.

Điều này đòi hỏi thay đổi tư duy trong thiết kế chính sách, trong thiết kế các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Lúc này, tư duy về nền kinh tế số, dữ liệu số cần được đưa vào trong thiết kế chính sách, trong cải cách thể chế để việc tiếp cận thuận lợi, thông suốt.

Nếu thực thi tốt, các chính sách phục hồi kinh tế có thể tạo thêm 1,5 điểm phần trăm cho tăng trưởng.

- TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển thương hiệu

Đà phục hồi của kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới khá rõ ràng, dù tăng trưởng có thể chậm lại. Tin tốt cho Việt Nam là các nền kinh tế dẫn dắt quá trình phục hồi là các nền kinh tế mạnh về đầu tư, lớn về thị trường và đều là các đối tác quan trọng của Việt Nam.

Tất nhiên, rủi ro còn nhiều khi chưa ai dự báo dịch bệnh sẽ đi đến đâu, lo ngại về lạm phát, cảnh báo về nợ gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế…

Tôi có 3 câu khi nói về giai đoạn phục hồi nền kinh tế và những đòi hỏi dành cho các gói chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.

Một là, tốc độ quan trọng hơn quy mô. Lúc này cần các quyết sách nhanh, kịp thời, có thể áp dụng các quy trình, thủ tục đặc biệt.

Hai là, vốn xã hội quan trọng hơn tiền bạc. Vốn xã hội là kết nối, chia sẻ, tạo giá trị qua kết nối. Trong bối cảnh này, Chính phủ phải là người tiêu dùng lớn nhất của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Ba là, phải cùng học, có những cách làm mới, chưa tiền lệ. Sẽ phải học cách ứng xử với các gói hỗ trợ, kích cầu chưa từng có, học cách quản trị rủi ro… trong thế giới biến đổi.

(Tuyết Ánh ghi)

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác