Các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng cuối năm Ảnh: H.Sương |
Đảm bảo nguồn cung, đa dạng sản phẩm
Ông Ngô Đình Nhu, Giám đốc điều hành nhà máy Công ty cổ phần Janbee (Bình Dương) dự báo, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán năm 2024 sẽ tăng 25% so với năm 2023. Vì vậy, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất 1.000 tấn dầu đậu nành (1 triệu lít) phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa.
“Ngoài dầu đậu nành, Công ty đã nhập nguyên phụ liệu từ tháng 8, tháng 9/2023 để sản xuất các mặt hàng khác như cháo yến, hạt nêm hữu cơ… Nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Nhu chia sẻ.
Để triển khai kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Giáp Thìn 2024, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) bố trí nguồn ngân sách khá lớn, khoảng 541 tỷ đồng. Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Visan cho biết: “Công ty chuẩn bị khoảng 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023 và khoảng 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Visan cam kết cung ứng đủ cho thị trường trước, trong và sau Tết. Ngoài ra, chúng tôi còn chuẩn bị thêm lượng hàng dự trữ (10 - 20%)”.
Đối với doanh nghiệp ngành bánh kẹo, dịp Tết là mùa kinh doanh quan trọng nhất trong năm. Năm nay, Công ty cổ phần Bibica dự tính đưa ra thị trường khoảng 6.200 tấn bánh kẹo các loại, trong đó, bánh kẹo dạng hộp phục vụ nhu cầu biếu, tặng dịp Tết chiếm 50%.
“Đối với sản phẩm bánh kẹo Tết, chúng tôi chuẩn bị 99 chủng loại sản phẩm với giá tốt, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt trong dịp Tết”, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica chia sẻ.
Giá cả ổn định
Ngay từ giữa tháng 10, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Các hệ thống siêu thị cũng đã làm việc với những nhà cung cấp lớn để ký kết hợp đồng cung ứng, đảm bảo bình ổn giá và xây dựng chương trình khuyến mãi đặc biệt.
Theo ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market Việt Nam, do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nên người tiêu dùng có xu hướng kiểm soát chi tiêu chặt hơn, ưu tiên mua sắm các mặt hàng thiết yếu, giá cả phù hợp… Vì vậy, năm nay, ngoài các mặt hàng truyền thống như mọi năm, MM Mega Market đưa ra thị trường nhiều hộp quà Tết với mức giá trung bình.
Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với Sở Công thương TP.HCM triển khai 2 chương trình khuyến mãi lớn, gồm “Giá sỉ” (khách mua lẻ được ưu đãi giá sỉ) và “Khóa giá” (cam kết giữ giá bình ổn, không tăng giá ở mặt hàng thực phẩm thiết yếu).
“Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm, MM Mega Market tiếp tục phối hợp với Sở Công thương TP.HCM và UBND TP.HCM triển khai chương trình “Đánh bại lạm phát” với hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu”, ông Khôi thông tin thêm.
Với ngành hàng dầu ăn, để tiếp tục đồng hành cùng người tiêu dùng, Janbee cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi trong các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… Nhờ đó, sản lượng đang tăng trưởng tốt. Đây là tín hiệu rất tích cực để doanh nghiệp đẩy mạnh khuyến mãi nhiều hơn nữa trong dịp Tết.
Ông Ngô Đình Nhu cho hay, ngoài các chương trình khuyến mãi, Janbee đã đầu tư hệ thống ép hạt đậu nành để tự chủ nguyên liệu, giảm giá đầu vào, từ đó giảm được giá bán ra, tăng mức tiêu thụ. Dự kiến, trong tháng 12 tới, hệ thống ép hạt này sẽ đi vào hoạt động.
Các sản phẩm có giá thành hợp lý đang được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh song song với chương trình khuyến mãi cuối năm. Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người dân chi tiêu thận trọng, nhưng ông Nguyễn Quốc Hoàng nhìn nhận, đây là cơ hội cho Bibica nói riêng và doanh nghiệp Việt nói chung cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập khẩu.
Về phía địa phương, để đồng hành với người tiêu dùng, TP.HCM dự kiến tiếp tục tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung đợt 2 vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Trong đợt khuyến mãi lần này, TP.HCM khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để kích cầu mua sắm, tiêu dùng với hạn mức tối đa 100%, tương đương mua 1 tặng 1.
Cùng với đó, dự kiến cuối tháng 12/2023, Sở Công thương TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố nhằm kết nối các đơn vị sản xuất - cung ứng, tìm nguồn cung hàng hóa an toàn, giá hợp lý và có chất lượng tốt để cung cấp cho người dân.