Theo lý giải của lãnh đạo PVFCCo, xuất phát từ xu hướng thị trường cho thấy trong nước cần có nhà máy sản xuất NPK công nghệ hóa học để đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón chất lượng cao, thay thế sản phẩm có công nghệ thô sơ, lạc hậu. Đồng thời, thay thế nguồn hàng nhập khẩu, tăng khả năng xuất khẩu nên từ năm 2015 PVFCCo đã quyết định nâng cấp công nghệ theo hướng chuẩn quốc tế của Incro SA (Tây Ban Nha).
Hiện nay, PVFCCo đang gấp rút chuẩn bị các công đoạn cuối cùng để chạy thử Nhà máy vào quý III/2017. Khi đi vào hoạt động thương mại vào đầu năm 2018, Nhà máy sẽ cho ra đời các sản phẩm NPK Phú Mỹ có chất lượng vượt trội với nhiều công thức khác nhau phù hợp với từng vùng đất và từng loại cây trồng.
Đặc điểm của NPK Phú Mỹ - công nghệ hoá học là loại một hạt, một màu, chứa đủ 3 yếu tố Đạm, Lân, Kali và các nguyên tố trung vi lượng cần thiết như lưu huỳnh, magie, canxi, silic, bo, kẽm.. trong một hạt phân.
Các chất trung vi lượng sẽ giúp chống khô cành, vàng lá, rụng hoa, rụng trái trên cây cà phê, điều, hồ tiêu, giúp tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, nâng cao năng suất và phẩm chất nông sản.
Các thành phần dinh dưỡng được phối trộn, phân chia theo tỷ lệ công thức hợp lý trên cơ sở PVFCCo và các nhà khoa học đã nghiên cứu, thử nghiệm thực tế để vừa đủ mang lại hiệu quả cao để cho từng loại cây trồng theo từng vùng đất, tránh lãng phí khi sử dụng, giảm ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh các công cụ sử dụng phân bón truyền thống, sản phẩm NPK Phú Mỹ cũng đặc biệt phù hợp khi sử dụng bằng các thiết bị, dụng cụ chăm bón hiện đại như máy phun phân bón, hệ thống tưới hoà tan, nhỏ giọt, hệ thống bơm tưới…
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và sử dụng phân NPK nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á bằng công nghệ trộn các loại phân đạm, lân, kali bằng cách thô sơ, thủ công (loại 3 hạt 3 màu) hoặc bằng các công nghệ nén ép, tạo hạt bằng tháp, vo viên đĩa quay hoặc thùng quay (loại 1 hạt 1 màu).
Các công nghệ này tồn tại những nhược điểm về kích thước; độ đồng đều của hạt phân và phân bố dinh dưỡng trong từng hạt phân; độ hút ẩm cao, chất lượng, hàm lượng chưa ổn định, dễ chảy nước, đóng bánh, bay hơi, thất thoát dinh dưỡng…gây hạn chế trong việc vận chuyển, bảo quản và nhất là khi sử dụng chăm bón cho cây trồng thì có nguy cơ làm cho cây trồng phát triển thiếu cân đối do dinh dưỡng chưa đầy đủ và đồng đều.
Để khắc phục hoàn toàn những nhược điểm nêu trên, “Công nghệ hóa học” - công nghệ sản xuất NPK hiện đại nhất thế giới- đã ra đời, và đang được áp dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.