Thực ra, máy phát điện công nghiệp thương hiệu SBMPOWER không còn xa lạ với thị trường Campuchia, dòng sản phẩm này đã “bén rễ” và xác lập chỗ đứng nhất định gần mười năm qua. Với bước đi mới này, SBM tăng cường khuếch trương, tiến tới phủ sóng thị trường ASEAN.
Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công máy phát điện công suất 2.500 KVA theo tiêu chuẩn châu Âu, có giá rẻ hơn 30% so với hàng ngoại nhập, SBM đặt chỉ dấu quan trọng về trình độ, năng lực công nghệ dẫn đầu và nổi lên như một ngôi sao sáng, là niềm tự hào của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam. Gần đây, SBM thắng thầu cung cấp máy phát điện cho nhiều dự án lớn trên địa bàn cả nước. Câu chuyện thành công của SBM không đơn giản chút nào, bởi để giành phần thắng trong cuộc đua rát bỏng ở phân khúc nội địa chưa bao giờ là điều dễ.
Máy phát điện do SBM sản xuât được đánh giá cao trên thị trường. Ảnh: NT |
Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc SBM cho biết, Công ty đang sở hữu nhiều lợi thế để cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi lớn, đến từ những nền công nghiệp phát triển trên thế giới. Ngoài yếu tố chất lượng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu, sản phẩm máy phát điện SBMPOWER rẻ hơn hàng nhập khẩu ít nhất là 10%, có nhiều chủng loại rẻ hơn 20 - 30%. Hơn nữa, SBM có thể làm được những máy công suất lớn với kỹ thuật phức tạp. Công ty sở hữu hệ thống thử nghiệm tương đương với công nghệ của khối các nước G7, cùng kỹ năng hoàn thiện lắp ráp và lập trình tốt nhất trong ASEAN, nên sản phẩm đạt yêu cầu rất cao về tính ổn định, độ tin cậy trong hoạt động và dự phòng.
Sau khi thành công ở những gói thầu cung cấp máy phát điện công suất lớn cho dự án Trung tâm hành chính hai tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, năm 2015, SBM trở thành đối tác của nhiều tập đoàn lớn. Ước tính, doanh thu 2015 tăng 30% so với năm trước. Hiện tại, SBM đang đầu tư nâng năng lực sản xuất lên gấp đôi, theo đó, Công ty sẽ đạt quy mô sản xuất 500 máy công suất lớn (từ 500KVA - 2500KVA)/năm so với mức 300 máy hiện nay. Suất đầu tư mở rộng này khoảng 3 triệu USD, bao gồm thiết bị, chuyển giao công nghệ, bản quyền sản phẩm lớn tư nước ngoài.
Nói về chiến lược phát triển, ông Trọng chia sẻ, SBM hướng tới trở thành thương hiệu quốc gia, là nhà sản xuất hàng đầu khu vực ASEAN đối với dòng sản phẩm máy phát điện công nghiệp công suất lớn.
“Chúng tôi đã có những bước chuẩn bị cho chiến lược này từ rất lâu, chứ không phải chờ đến khi xác lập vị thế vững chắc trong thị trường nội địa rồi mới làm. Trước tiên là thị trường các nước lân cận như Campuchia và Myanmar. Qua khảo sát, chúng tôi đánh giá, thị trường máy phát điện tại Campuchia rất tiềm năng, nhất là phân khúc máy phát điện công nghiệp. Với vị trí địa lý gần Việt Nam nên thuận lợi cho việc vận chuyển, triển khai dịch vụ kỹ thuật hậu mãi. Mặt khác, thu nhập của Campuchia còn thấp, nên khả năng tiêu thụ của sản phẩm máy phát điện SBM sẽ tốt hơn các hãng ngoại khác, do giá rẻ”, ông Trọng nói và cho biết, ngay từ năm 2007, SBM đã khảo sát và xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Campuchia, đến nay, máy phát điện thương hiệu SBMPOWER đã có chỗ đứng khá tốt.
Với việc ra mắt SBMVN (CAMBODIA) Co.Ltd, SBM đang hiện thực hóa cơ hội kinh doanh để gia tăng thị phần cho mục tiêu đạt doanh thu 1 triệu USD trong năm tới đây tại thị trường này.
Để chiến lược vươn ra khu vực thắng lợi, SBM ưu tiên tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Hiện tại, SBM đạt tỷ lệ nội địa từ 27 - 40%, đây là tỷ lệ khá cao, ngay đến các chuyên gia nước ngoài cũng không thể ngờ ở Việt Nam có doanh nghiệp thực hiện được, đặc biệt là trong ngành công nghiệp cơ khí sản xuất máy phát điện mà “công nghệ lõi” vẫn do một vài nước nắm giữ bí kíp.
SBM đang đàm phán với các nhà cung cấp linh kiện giảm giá để tăng tính cạnh tranh, nhằm tăng khả năng bao phủ thị trường trong khu vực. “Việc quan trọng là để đối tác cung cấp thiết bị nhận thấy SBM là đối tác tiềm năng, đối tác chiến lược, để họ áp dụng chính sách hỗ trợ, từ đó SBM mới tối ưu hóa được quy trình sản xuất nhằm giảm giá thành”, ông Trọng nói.