Mặc dù DNNN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sự phát triển lớn mạnh của các DNNN không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. DNNN còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện.
Tọa đàm sẽ là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp nhìn lại chặng đường 5 năm vừa qua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, qua đó khẳng định vai trò của khu vực kinh tế nhà nước. Từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy khu vực kinh tế quan trọng này.
Tại toạ đàm, có nhiều tham luận về quản lý vốn Nhà nước ở doanh nghiệp như tham luận Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước bước khởi đầu vững chắc, đề án phát triển doanh nghiệp lớn và đề xuất thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân...
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).