Tiêu thụ tăng hơn 25%
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thực phẩm Sao Ta đạt sản lượng chế biến 7.787 tấn tôm đông lạnh các loại, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu tiêu thụ đạt 76,6 triệu USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Sao Ta, thời điểm này năm trước, giá tôm nguyên liệu khá cao do cuối vụ, nhưng năm nay, giá tôm thẻ chân trắng đang giảm mạnh do nhiều nước nuôi tôm thu hoạch sớm.
Về xuất khẩu, thị trường chủ yếu của Sao Ta là Nhật, Mỹ, Canada, EU, Australia, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Đài Loan... Đây là những thị trường có sức tiêu thụ cao và các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Sao Ta, có thể tiếp tục đẩy mạnh bán hàng trong thời kỳ tôm trong nước đến vụ trong giai đoạn từ quý III trở đi.
. |
Sao Ta chưa tiết lệ con số lợi nhuận, nhưng nếu tình hình kinh doanh vẫn tiến triển như trong quý I, thì công ty này đã đi qua nửa đầu chặng đường năm 2018 một cách suôn sẻ. Bởi lẽ, trong quý I/2018, Sao Ta đạt doanh thu lên tới 814 tỷ đồng, tăng trên 52% so với quý I/2017. Lợi nhuận sau thuế quý I/2018 đạt 32,4 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Về tài chính, dòng tiền về cũng khá dồi dào trong quý I/2018.Lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh của Công ty dương 365 tỷ đồng, giúp công ty này giải quyết được một phần các khoản vay nợ. Trong quý đầu năm, Sao Ta chi trả hơn 1.782 tỷ đồng tiền nợ vay, trong khi chỉ vay thêm gần 1.473 tỷ đồng, nên giảm nợ vay được hơn 308 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I/2018, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của Sao Ta là 58%, giảm so với mức 67% thời điểm đầu niên độ tài chính (ngày 1/10/2017).
Ẩn số quý III
Mặc dù tình hình tiêu thụ sản phẩm, kết quả lợi nhuận cũng như diễn biến tài chính có chiều hướng thuận lợi từ đầu năm đến nay, song nhà đầu tư vẫn phải lường trước những diễn biến khó phán đoán trong nửa cuối năm 2018, đặc biệt khi giá nguyên liệu có thể sẽ biến động trong thời gian tới. Bởi lẽ, thông thường, qua đầu quý III, các hệ thống tiêu thụ mới lên kế hoạch tiêu thụ đến cuối năm.
Trong nửa đầu năm 2018, giá tôm thấp, nên việc nuôi bị chậm lại, người nuôi đợi giá tôm tăng mới an tâm thả nuôi.
Theo ông Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, năm nay, một số nước có thời gian thu hoạch tôm sớm hơn Việt Nam và việc thu hoạch ở các nước này sẽ kết thúc trong quý III. Lúc đó, các hệ thống tiêu thụ khởi động mua, nên giá tôm có thể sẽ hồi phục ở đầu quý III. Tuy nhiên, mức hồi phục ra sao còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình nuôi tôm ở các nước xung quanh, tình hình thả tôm trong nước và năng lực thuyết phục, đàm phán của các nhà điều hành chế biến.
“Riêng tình hình nuôi tôm trong nước năm nay, khả năng sản lượng tôm nuôi không tăng, hoặc chỉ tăng nhẹ, nên giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam sẽ có xu hướng tăng mạnh hơn so với mặt bằng chung của thế giới”, ông Lực dự báo.
Về sự chuẩn bị của Sao Ta, ông Lực cho biết, Công ty đã mua nguyên liệu giá tốt so thị trường để đủ tôm chế biến và có phần dự trữ, nên ít bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu tăng. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Sao Ta đã phát triển 140 ao tôm và tiếp tục nuôi theo tiến độ chuẩn bị ao.
Cổ phiếu thủy sản là nhóm ngành được các nhà đầu tư có quan điểm đầu tư cơ bản quan tâm, nên ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu cơ. Tuy nhiên, mặt bằng giá từng cổ phiếu không đồng đều, FMC là cổ phiếu có thị giá ở mức trung bình với mặt bằng khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, một số cổ phiếu có mặt bằng giá cao hơn như ABT của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (trên 35.000 đồng/cổ phiếu), MPC của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (gần 40.000 đồng/cổ phiếu)… Trong khi đó, ở nhóm thị giá thấp, cũng có một số cổ phiếu vẫn giao dịch dưới mệnh giá.
Về thị trường xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 52,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Riêng với mặt hàng tôm, năm 2018, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,8 tỷ USD, tăng 26% so với năm ngoái.