Việt Nam là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 sang Canada. |
Theo số liệu mới nhất của Thương vụ Việt Nam tại Canada, đến hết tháng 7/2023, xuất khẩu da giày, túi xách vào thị trường Canada (mã HS 64, 42) đã đạt 593 triệu USD, trong đó mã HS 64 tiếp tục tăng trưởng 16,7% và mã HS 42 tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng nhập khẩu trong kỳ của Canada đối với hai nhóm mặt hàng này là 2,8 tỷ USD; tức là riêng Việt Nam chiếm khoảng trên 21% thị phần.
Việt Nam là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 vào Canada đối với mã HS 64, sau Trung Quốc; và đứng thứ ba đối với mã HS 42, sau Trung Quốc, Indonesia.
Đối với mã HS 64, Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất vào địa bàn trong khi Canada giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Đối với mã HS 42, Việt Nam cũng là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao, chỉ sau Indonesia.
Như vậy, 5 năm sau khi Hiệp định Đối tác Tiến bộ Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi, Việt Nam đã xuất tăng gần gấp đôi cá mặt hàng da giày và túi xách vào thị trường Canada và với tốc độ tăng trưởng 2 con số, ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2023.
Kết quả này hoàn toàn có thể nghĩ đến da giày sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD tiếp theo của Việt Nam sang Canada.
Năm 2022, Việt Nam là nước xuất khẩu da giày đứng thứ hai vào Canada, với 832 triệu USD sau Trung Quốc (1,09 tỷ USD).
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu da giày của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 sang Canada đạt 72%, giúp Việt Nam thành công chiếm lĩnh thêm thị phần với tỷ lệ 26,5% vào năm 2022 (trong khi Trung Quốc giảm xuống còn 34,7%).
Da giày là mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi CPTPP cao nhất, với 72% so với các mặt hàng khác của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có trên 230 triệu USD hàng xuất khẩu (như giày thể thao, giày đá bóng, dép xỏ ngón…) xuất khẩu với thuế suất tối huệ quốc (MFN) từ 5-20%, trong khi đáng lẽ chúng ta được hưởng thuế CPTPP bằng 0%.
Đối với một số mặt hàng giày dép có sự chênh lệch về mức thuế giữa MFN và CPTPP, các doanh nghiệp phải trả thuế cao thêm từ 10-13,5%.
Điển hình, mã HS 42 là ngành hàng xuất khẩu quan trọng vào Canada do có nhu cầu lớn. Năm 2022, có đến 54% các sản phẩm bằng da thuộc nhóm mã HS 42 xuất khẩu đã sử dụng C/O CPTPP. Đây là một trong những ngành hàng có tỷ lệ sử dụng CPTPP cao nhất trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.
Nhưng vẫn còn đến 43% (tương đương 100 triệu USD) sản phẩm xuất sang Canada sử dụng C/O MFN, chịu thuế từ 5-15,5%. Chủ yếu là các sản phẩm: găng tay da (15,5%), áo khoác da (13%), vali, rương hòm, túi xách (11%), ví, thắt lưng, các sản phẩm nhỏ (8-9,5%), yên xe, dụng cụ, túi da khác (5-7%).
Trong bối cảnh thương mại bị chậm lại bởi suy giảm kinh tế, nhằm kết nối đơn hàng, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt, Thương vụ Việt Nam tại Canada quyết định tham gia Hội chợ Dệt may - Da giày toàn cầu Toronto.
Hội chợ Dệt may và Da giày toàn cầu Toronto do WANZ Global Textile and Leather Expo Show (Textile Expo) lần đầu tiên tổ chức tại Canada dự kiến có quy mô khá lớn, thu hút khoảng 4.000 khách mua hàng tại khu vực Bắc mỹ (Mỹ, Canada, Mexico) và một số quốc gia khác, được đánh giá là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường Bắc Mỹ.
Thời gian, địa điểm tổ chức Hội chợ Textile Expo năm 2023: 14-15/11/2023 tại Trung tâm Hội nghị Galaxy Grand Convention Centre 200 Advance Blvd, Brampton, ON L6T 4V5.
Thương vụ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giá thuê gian hàng ưu đãi, các hỗ trợ liên quan đến visa, thông tin logistics. Đặc biệt sẽ có hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp da giày. Theo đó, doanh nghiệp da giày vừa và nhỏ có thể gửi hàng mẫu để Thương vụ hỗ trợ trưng bày và kết nối miễn phí tại gian hàng của Thương vụ.