Thông tin ban đầu cho biết, vào khoảng 3h30 sáng ngày 28/12, tại công trình ga 3 tầng thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đối diện bến xe Hà Đông cũ đã xảy ra vụ sập giàn giáo.
Một nhân chứng nói với PV, vụ sập giàn giáo khiến một xe taxi mắc kẹt bên trong. Rất may tài xế đã thoát được ra ngoài và chỉ bị thương nhẹ.
Hiện trường vụ sập giàn giáo. Ảnh: Phạm Hải |
Chiếc xe hiệu Matiz, mang BKS 30V - 8195. Lái xe quê ở Dương Nội, Hà Đông.
Theo quan sát của PV, từ 7h sáng nay, hiện trường vụ sập đã được che kín. Các phương tiện giao thông không được qua lại khu vực, phải đi vào làn trong cùng.
Hiện trường vụ sập. Ảnh: Nhị Tiến |
Ảnh: Phạm Hải |
Theo nhiều người dân tại đây, vào thời điểm xảy ra sự việc mọi người đang ngủ say thì bất ngờ nghe thấy một tiếng động lớn.
Nhiều người đã ra khỏi nhà xem và thấy cảnh đổ sập của khu nhà ga đang xây dựng.
Theo tìm hiểu của PV, theo dự kiến, sáng 28/12 tại toa kết cấu phần trên ga sẽ được đổ bê tông. Tuy nhiên, trong quá trình đổ bê tông, giàn giáo đã đổ sập xuống.
Xác nhận với VietNamNet về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch phường Mộ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay vụ sập xảy ra vào khoảng 3h sáng ngày 28/12.
Hiện trường vụ sập. Ảnh: Otofun |
Ngay sau khi nhận được thông tin, phường đã điều động lực lượng tới hiện trường và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý hiện trường.
Hiện tại, ghi nhận của PV tại hiện trường, toàn bộ phần giàn giáo hướng từ Nguyễn Trãi về Hà Đông đã bị đổ sập hoàn toàn. Quanh khu vực bị sập đã được che bạt kín.
Chiếc xe taxi vẫn đang nằm trong đống đổ nát. Lái xe thoát nạn đã về nhà để ổn định tinh thần.
Rất nhiều các cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ sập.
Trước đó, vào ngày 6/11, tại dự án đường sắt nội đô Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông xảy ra vụ tai nạn khiến một người đi đường tử vong và 2 người khác bị thương.
Ngay sau đó Bộ GTVT đã yêu cầu tạm thời đình chỉ thi công trên toàn tuyến dự án Cát Linh-Hà Đông để kiểm tra, rà soát các vị trí thi công, lên phương án đảm bảo an toàn giao thông trước khi triển khai thi công tiếp.
Hiện trường đã bị phong tỏa. Ảnh: Nhị Tiến |
Sau tai nạn, để đảm bảo quá trình thi công không xảy ra sai sót, ông Lê Văn Dương, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, Ban sẽ cùng với các đơn vị Tư vấn giám sát, thi công sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các biển báo an toàn cũng như gia cố thêm hàng rào chắc chắn, hàn xì tại các điểm có nguy cơ mất an toàn… để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trên toàn tuyến.
Vào ngày 16/11, sau thời gian tạm dừng thi công do tai nạn, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) vừa có văn bản chấp thuận triển khai thi công một số hạng mục dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 6/2015. Dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, có chiều dài toàn tuyến 13,5km với 12 ga. Tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nhà thầu EPC của dự án là Công ty xây dựng Hải ngoại-Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc. |
Đình chỉ trưởng phòng dự án trong vụ rơi sắt làm chết người tại đường sắt trên cao Trao đổi với PV chiều ngày 7.11, ông Nguyễn Anh Thơ – Phó cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) - cho biết, ông vừa trở về từ buổi làm việc với các bên liên quan tại dự án đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh. Hiện, Ban Quản lý (BQL) đã đình chỉ trưởng phòng dự án 2, một số cán bộ liên quan nhận hình thức cảnh cáo. |
Cần cẩu đứt cáp làm 4 người chết và bị thương Cần cẩu bất ngờ đứt cáp trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội khiến một người đi đường bị hàng tấn sắt đè lên người và thiệt mạng tại chỗ, nhiều người khác bị thương phải đi cấp cứu. |
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mắc vốn (Baodautu.vn) Hiệu quả đầu tư tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi tổng mức đầu tư dự án tăng lên hơn 70%. |
Nhóm PV (Vietnamnet)