Sân bay Tân Sơn Nhất đang mang lại doanh thu lớn nhất cho ACV |
Phát biểu tại Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích – Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển (BSC) cho biết các nhà đầu tư đang đứng trước cơ hội sở hữu cổ phiếu của một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành hàng không, liên tục kinh doanh có lãi trong suốt thời gian qua.
“Với kinh nghiệm đầu tư, quản lý và khai thác đã được minh chứng, ACV sẽ tiếp tục đầu tư và vận hành tốt các dự án cảng hàng không mới, tận dụng đà phát triển của ngành hàng không VN” – ông Long nói.
Hiện mảng kinh doanh dịch vụ hàng không là mảng chủ lực của ACV, đóng góp trung bình 81% doanh thu sẽ tiếp tục được khai thác hiệu quả trong thời gian tới thì còn một mảng khác là hoạt động phi hàng không của ACV cũng chắc chắn sẽ tăng cả về quy mô và hiệu quả.
Theo Chủ tịch HĐTV ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho, trong 3 năm 2012 - 2014, DN này đã phục vụ trên 132 triệu lượt hành khách, tăng trung bình khoảng 16%/năm; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trên 1 triệu lượt chuyến bay, tăng trung bình 9,97%/năm; vận chuyển trên 2,284 triệu tấn hàng hóa - bưu kiện, tăng trung bình 15,29%/năm; tổng doanh thu đạt hơn 28.100 tỷ đồng, tăng trung bình 14,86%/năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng trung bình 29,75%/năm; vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - ACV tăng từ hơn 14.800 tỷ đồng (khi hợp nhất năm 2012) lên hơn 19.800 tỷ đồng (năm 2014), tăng 33,96%.
Riêng 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng hành khách của ACV đạt trên 46,5 triệu hành khách, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển trên 716.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng 16,1%; phục vụ 331.775 lượt chuyến cất hạ cánh, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2014.
Đáng nói hơn, kết quả kinh doanh trên còn được nhiều chuyên gia thống nhất nhận định là sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới song song với sự phát triển bền vững của ngành hàng không.
Được biết, hình thức cổ phần hóa (CPH) ACV được phê duyệt là kết hợp vừa bán một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với quy mô vốn điều lệ của ACV là 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2.243 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng. Quy mô vốn này của ACV được đánh giá vào loại lớn nhất cả nước.
Trong số này, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1.682 triệu cổ phần. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 31,3 triệu cổ phần, chiếm 1,4% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là hơn 3 triệu cổ phần, tương đương 0,13% vốn điều lệ. Cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là hơn 448 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. Số cổ phần bán đấu giá công khai là hơn 77,8 triệu cổ phần, tương đương 3,47% vốn điều lệ.
Chủ tịch ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho biết Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Dù chưa tiết lộ những tiêu chí cụ thể (do đơn vị này mới trình Bộ GTVT, đang chờ phê duyệt), ông Hùng cho biết về cơ bản, nhà đầu tư chiến lược có thể là tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không hoặc là tổ chức tài chính. Sẽ có những tiêu chí cụ thể cho các nhà đầu tư chiến lược và ACV sẽ ưu tiên nhà đầu tư ngoài việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định còn có cam kết mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp sau CPH trong đó có việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp…
Nhiều chuyên gia nhận định, việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho ACV sẽ không gặp nhiều khó khăn, bởi doanh nghiệp khai thác CHK này đang nắm quyền quản lý, khai thác những tài sản được đánh giá là đặc biệt hấp dẫn.
Một thông tin quan trọng liên quan đến CPH ACV được Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh tiết lộ là ACV dù chưa quyết định được thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng việc này “chắc chắn sẽ diễn ra sớm vào thời điểm thích hợp”.