Đây là thông tin được bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cập nhật tại Diễn đàn Vì một mùa Đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức sáng ngày 01/03 với sự tham gia của đông đảo đại diện các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết.
Sửa văn bản pháp luất gỡ hạn chế “pre-funding”
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình cho biết công tác chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những nội dung trọng tâm tại Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán vừa tổ chức ngày 28/2 vừa qua. Đây cũng là một trong những nghiệp vụ quan trọng mà Chính phủ đặt ra cho ngành chứng khoán.
Thời gian không còn nhiều, dưới góc độ là cơ quan quản lý, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương phục vụ công tác này. Một trong các rào cản lớn khiến thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn hơn so với các thị trường trong khu vực là yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện ký quỹ 100% trước khi thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam và không được vay margin theo quy định của pháp luật ngân hàng),
Để gỡ vấn đề liên quan đến yêu cầu ký quỹ trước giao dịch trên, bà Bình cho biết UBCKNN đang rà soát kỹ các giải pháp, đặt ra các điều kiện chỉ các công ty chứng khoán đáp ứng đủ mới có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh mua mà không cần có đủ 100% tiền. Liên quan đến nội dung này, có hai văn bản cần sửa đổi là Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán với các nội dung liên quan đến vấn đề điều kiện cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán và Thông tư 120/2020/TT-BTC giao dịch cổ phiếu niêm yết.
“Về cơ bản, đến thời điểm hiện nay, UBCKNN đã nhận được sự đồng thuận của công ty chứng khoán về việc sửa đổi hai văn bản trên”, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Sẽ có hạn chót để rà soát ngành nghề kinh doanh, công bố "room" ngoại
Cũng theo bà Bình, điều mà nhà đầu tư ngoại quan tâm là câu chuyện khả năng mua cổ phiếu ở trên thị trường Việt Nam còn nhiều hay không. Nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn rất quan tâm đến khả năng họ giải ngân vào cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn. Quy định liên quan đến hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thực tế không phải chỉ riêng Việt Nam.
Nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đều có những rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với những ngành nghề kinh doanh mà nó sẽ tác động đến an ninh quốc phòng hoặc thuộc lĩnh vực cần sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, một hạn chế hiện nay là quy định về giới hạn sở hữu ngành nghề của nhà đầu tư nước ngoài đang nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Trong khi đó, doanh nghiệp thường có xu hướng đăng ký kinh doanh đa ngành nghề, dù không thực tế hoạt động trong lĩnh vực đó.
Doanh nghiệp bối rối trong việc xác định tỷ lệ tối đa. Còn nhà đầu tư nước ngoài không có nơi để tiếp cận thông tin này một cách chính thống, nhanh nhất và tập trung toàn diện nhất.
Do đó, một nội dung cũng tại dự thảo sửa đổi Nghị định 155 là bổ sung thêm thời hạn thực hiện thủ tục thông báo tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Doanh nghiệp cần rà soát ngành nghề đang triển khai để xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Nhiều ngành nghề dù đăng ký kinh doanh nhưng không triển khai trong khi ngành đó bị hạn chế giới hạn sở hữu nước ngoài.
Trao đổi với đại diện các doanh nghiệp niêm yết, bà Bình cho rằng các doanh nghiệp nên cố gắng hạn chế tối đa việc đại hội đồng cổ đông tự hạn chế mức room dưới mức tối đa cho phép. Dù đây là quyền của cổ đông, doanh nghiệp, nhưng dưới góc độ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, cần tránh trường hợp chính bản thân doanh nghiệp tự hạn chế khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.
Công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình
Trong các tiêu chí để nâng hạng, tiêu chí về mặt định lượng, như quy mô vốn hóa thị trường hoặc giá trị của các tổ chức niêm yết đã đáp ứng yêu cầu, tính thanh khoản của thị trường về cơ bản đã đáp ứng được. Bà Bình nhấn mạnh điều quan trọng là cần tiếp tục cải các yếu tố định tính, đặc biệt về chất lượng của các công ty niêm yết và hoạt động quản trị công ty cùng tính minh bạch của thị trường.
Theo dự thảo, quy định bắt buộc công bố bằng tiếng Anh và tiếng Việt sẽ áp dụng theo lộ trình. Đối với công ty đại chúng quy mô lớn, áp dụng công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh kể từ ngày 1/1/2025 và công bố thông tin bao gồm cả định kỳ cả bất thường bằng tiếng Anh từ ngày 1/1/2026. Sau đó, tiến hành triển khai trên toàn thị trường 1/1/2028, đối với tất cả các loại thông tin.
UBCKNN đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi 4 Thông tư giải quyết các nội dung trên. Cập nhật về tiến độ thực hiện, UBCKNN đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính về các nội dung sửa đổi chính và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt lộ trình sửa đổi.
“Dự kiến, dự thảo liên quan đến sửa đổi Nghị định 155 sẽ được công bố trong tháng 3 và sẽ cố gắng ban hành Nghị định sửa đổi trước tháng 8/2024. Thông tư sửa đổi 4 Thông tư đã trình dự thảo lên Bộ trưởng Bộ Tài chính đã được phê duyệt” bà Bình cho hay. Cũng theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, UBCKNN đang trong quá trình tổng hợp ý kiến của các đơn vị khác thuộc Bộ Tài chính, dự kiến công bố dự thảo để lấy ý kiến thành viên thị trường theo đúng quy trình xây dựng văn bản pháp luật có thể trong tuần đầu của tháng 3.