Thời sự
Sạt lở xóa sổ nhiều bãi biển đẹp ở miền Trung
Hoàng Anh - 18/11/2018 20:57
Hoạt động du lịch của các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề khi tình trạng sạt lở có thể xóa sổ nhiều bãi biển đẹp.
TIN LIÊN QUAN

Tan hoang bãi biển

Bãi biển Cửa Đại của TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) từng được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á, nhưng giờ đây, vẻ đẹp ấy hiện chỉ còn nằm trong ký ức của những người dân phố Hội vì tình trạng sạt lở diễn ra liên tục nhiều năm qua, gần như đã xóa sổ bãi tắm đẹp thơ mộng này. 

.

Trước nguy cơ mất bãi biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng tuyến kè mềm. Niềm hy vọng được nhen nhóm, khi năm 2017, bãi biển Cửa Đại được bồi lắng trở lại, nhưng những tuyến đê ấy vẫn không cứu được bãi biển này sau khi tình trạng sạt lở lại tiếp tục diễn ra và có xu hướng lan rộng. Những tuyến đê bao không thể chống chọi với sóng lớn trong mùa biển động, nhiều công trình du lịch bị kéo đổ xuống biển, nhiều bờ vực xuất hiện, tuyến đường du lịch trọng yếu chạy dọc biển Cửa Đại bị uy hiếp. 

Mới đây, sóng biển đã khiến 714 m kè mái ta-luy bằng tấm lát bê tông từ khách sạn Sunrise đến khách sạn Fusionalya bị hư hỏng nặng, tạo thành những hàm ếch lớn, có những vị trí mái kè bị sụt lún có độ rỗng trên 3 m gây mất an toàn cho tuyến kè. Trước biến cố này, TP. Hội An đã buộc lòng phải chi 27 tỷ đồng tiến hành sửa chữa khẩn cấp tuyến kè. 

Khi Quảng Nam chưa tìm ra cách đối phó hiệu quả với vấn nạn sạt lở kéo dài trên bãi biển, thì đến lượt TP. Đà Nẵng lại “sốt vó” với thực trạng này. 

Tình trạng sạt lở xuất hiện trên bãi biển Đà Nẵng từ năm 2017. Ban đầu, sóng lớn xộc vào bờ kè, tiến sát chân móng các nhà hàng, tạo nên những bờ vực cao. Đến năm 2018, tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn, hàng chục mét bờ kè kéo dài từ bãi tắm Sao Biển 1 qua Sao Biển 2 tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) đã bị sóng biển ngoạm sâu và đánh sập. Không chỉ tạo những hố hàm ếch lớn, những đợt sóng lớn đã khoét sâu vào chân móng của các nhà hàng, nhiều khối bê-tông bị giật trơ đế. Chủ của những nhà hàng nằm dọc bên bãi biển nơm nớp lo sợ, khi tình trạng sạt lở tiếp diễn, số phận của cả một gia tài thật như “trứng để đầu đẳng”! 

Tại Phú Yên, tuyến kè bờ Nam sông Đà Rằng (TP. Tuy Hòa) cũng bị sóng đánh khiến 250 mét bờ kè bị hư hỏng, uy hiếp đến khu vực neo đậu và cảng cá Đông Tác phía trong. Còn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 21 điểm sạt lở bờ biển, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 5 điểm và 16 điểm còn lại được coi là… sạt lở nguy hiểm! 

Rất cần nguồn lực “giải cứu”

Dọc các tỉnh miền Trung, không khó để kể tên những địa điểm sạt lở bãi biển. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 1.649 km cùng mạng lưới sông dày đặc. Tình trạng xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông trong khu vực diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng. Các địa phương bị xói lở mạnh nhất là Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận... Sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là ở những khu vực xảy ra sạt lở nguy hiểm như bờ biển đoạn qua xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế); Cửa Đại (TP. Hội An) bờ biển thuộc TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Tính đến tháng 7/2018, dọc dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km. 

Du lịch biển là thế mạnh của những địa phương miền Trung, nhiều khách sạn, resort đẳng cấp được đầu tư xây dựng dọc các bãi biển, hàng ngàn người dân sống dựa vào các bãi biển. Thế nên, tình trạng sạt lở đang là nỗi lo thường trực của các địa phương miền Trung. 

Tại TP. Hội An, rất nhiều buổi hội thảo được tổ chức để tìm giải pháp cứu bãi biển Cửa Đại và dù nhiều tiền của đã được đầu tư để xây dựng kè, nhưng kết quả không như mong đợi, khi mà bãi biển vẫn tiếp tục sạt lở. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An trăn trở: “Bãi biển Cửa Đại bị sạt lở đã khiến cho Hội An mất đi một bãi tắm đẹp, ảnh hưởng nhiều đến du lịch và cuộc sống của những người dân sống dựa vào bãi biển này. Thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo để tìm giải pháp chống sạt lở tổng thể, nhưng giải pháp đó cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn lực của địa phương thì có hạn”. 

Trước thực trạng bức thiết về sạt lở bãi biển, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận. Để hỗ trợ các địa phương ứng phó với tình hình sạt lở và bồi đắp ngày càng diễn ra nghiêm trọng, ngoài khoản hỗ trợ khẩn cấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách dự phòng trung hạn để hỗ trợ 13 địa phương trong những năm tới. Đồng thời đề nghị các địa phương phải xã hội hóa các nguồn lực và kêu gọi vốn ODA. Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình tổng ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển trong cả nước vào cuối năm nay. Đây là điều mà các tỉnh miền Trung rất mong chờ, vì sẽ có thêm nguồn lực để “giải cứu” những bãi biển đang bị “thủy thần” đe dọa.

Tin liên quan
Tin khác