Sức khỏe doanh nghiệp
Sau 3 ngày thông báo tạm dừng, HAGL bất ngờ quay lại kế hoạch phát hành riêng lẻ
Duy Bắc - 27/09/2022 07:06
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG – sàn HoSE) thông qua tiếp tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, điều chỉnh phương án sử dụng vốn, danh sách nhà đầu tư.

Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai thông qua kế hoạch đăng ký chào bán 161.904.760 cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2022.

Mục đích huy động vốn thông qua ngày 26/9/2022 (Nguồn: HAG).

Số tiền huy động, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến dùng gần 800 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang; và 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do Công ty phát hành ngày 30/12/2016 với mã HAGLBOND16.26.

Mục đích huy động vốn thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên đầu năm 2022 (Nguồn: HAG).

Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên, Hoàng Anh Gia Lai thông qua kế hoạch sử dụng vốn khi dùng 700 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với hai công ty là CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang; 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; và 500 tỷ đồng trả nợ trái phiếu.

Như vậy, thay đổi mục đích sử dụng vốn lớn nhất là không còn bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với CTCP Chăn nuôi Gia Lai.

Về danh sách nhà đầu tư tham dự kiến tham gia đợt phát hành gồm 9 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, không thay đổi so với nội dung được thông qua ngày 22/4/2022.

Danh sách nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt phát hành riêng lẻ thông qua ngày 22/4/2022 (Nguồn: HAG).

Trước đó, ngày 22/4, Hoàng Anh Gia Lai công bố điều chỉnh danh sách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dự kiến được tham gia đợt chào bán gồm 9 tổ chức và cá nhân.

Trong đó, CTCP Quản lý quỹ Việt Cát đăng ký mua 47,6 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0% lên 4,37% vốn điều lệ; Công ty TNHH Glory Land đăng ký mua gần 38,1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0% lên 3,5% vốn điều lệ, ông Nguyễn Đức Tùng Quân đăng ký mua gần 11,36 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 1,04%...

Được biết, CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (Quỹ Việt Cát) – đặt trụ sở tại tầng 11, toà nhà Doji Tower (Hà Nội). Còn cá nhân ông Nguyễn Đức Tùng Quân đang giữ vai trò Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Môi giới chứng khoán Miền Nam của VPBank Securities.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Đoàn Nguyên Đức cũng tiết lộ hai đối tác sẽ đồng hành trong đợt phát hành riêng lẻ này gồm Quỹ Cát Việt và VPBank Securities.

Công ty Glory Land được thành lập vào năm 2014. Theo đăng ký kinh doanh mới nhất thay đổi vào tháng 12/2020, Glory Land có vốn điều lệ 398 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, mới đây ngày 23/9, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thông qua việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, việc tạm dừng để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Công ty và mang lại hiệu quả đầu tư. Sau khi có phương án sử dụng vốn mới, Công ty sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định hiện hành và sẽ báo cáo việc điều chỉnh.

Kiểm toán nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục

Kiểm toán nhấn mạnh, Công ty có khoản lỗ luỹ kế tới 30/6/2022 là 3.938,5 tỷ đồng và những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh 2.6 cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Theo thuyết minh 2.6, tính tới 30/6/2022, Hoàng Anh Gia Lai đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan.

Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhập giữa trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tính tới 30/6/2022 đang ghi nhận tổng nợ là 9.021,3 tỷ đồng. Trong đó, 3.295,9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 5.725,3 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Công ty thuyết minh, vay ngắn hạn ngân hàng 691 tỷ đồng tại Sacombank; 499,99 tỷ đồng Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng …; đối với trái phiếu, đang ghi nhận 5.876 tỷ đồng do BIDV và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do TPBank thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do Công ty TNHH Chứng khoán ACB thu xếp phát hành …

Nói thêm về kế hoạch tương lai, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đang tiến hành nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại Gia Lai, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11/2022. Trong năm 2023, Công ty sẽ sản xuất ra được 1 triệu con heo mang thương hiệu heo ăn chuối Bapi. Trong tương lai, doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để trả nợ và mở rộng kinh doanh.

Lỗ luỹ kế 3.938,5 tỷ đồng, bằng 42,5% vốn điều lệ

Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu tăng 150,6% so với cùng kỳ lên 2.030 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 522,84 tỷ đồng, tăng thêm 514,53 tỷ đồng (cùng kỳ 8,31 tỷ đồng).

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 329,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 357,17 tỷ đồng lên 465,46 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 39,6%, tương ứng giảm 188,36 tỷ đồng về 287,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 174,9%, tương ứng tăng thêm 675,55 tỷ đồng lên 1.061,79 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp bất ngờ giảm 1.003,88 tỷ đồng về âm 813,07 tỷ đồng (cùng kỳ 190,81 tỷ đồng); lợi nhuận khác giảm lỗ 175,44 tỷ đồng về ghi nhận lỗ 40,79 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Thực tế, lợi nhuận gộp tạo ra 465,46 tỷ đồng, thấp hơn chi phí tài chính 1.061,79 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty có lãi chủ yếu ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp âm.

Công ty thuyết minh trong 6 tháng đầu năm bất ngờ ghi nhận hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đòi 1.030,4 tỷ đồng so với cùng kỳ 266,1 tỷ đồng.

Mặc dù ghi nhận lãi trong 6 tháng đầu năm nhưng tới 30/6/2022, tổng lỗ luỹ kế vẫn là 3.938,5 tỷ đồng, bằng 42,5% vốn điều lệ của Công ty.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/9, cổ phiếu HAG giảm 200 đồng về 13.700 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác