Đầu tư và cuộc sống
Sau 40 năm, Tam Nông mang hình ảnh thu nhỏ về thành công của tỉnh Đồng Tháp
Huy Tự - 05/08/2023 18:19
Với sự thành công của Chương trình khai thác hiệu quả vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tam Nông là hình mẫu thu nhỏ của tỉnh Đồng Tháp đã và đang có nhiều đổi thay, điểm sáng về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong 4 thập kỷ qua.
Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cung cấp thông tin tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm tái lập huyện Tam Nông, Đồng Tháp

Chia sẻ tại buổi Giao ban Báo chí vào đầu tháng 8/2023 vừa qua, ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, Lễ Kỷ niệm 40 năm tái lập huyện Tam Nông sẽ diễn ra vào tối ngày 11/8/2023, tại Khu Dân cư Khóm 2, thị trấn Tràm Chim (ngã tư cầu Tràm Chim).

Lễ Kỷ niệm là dịp để nhìn lại những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, rút ra những bài học và kinh nghiệm, định hướng phát triển đến 2030, tầm nhìn 2050 theo quy hoạch của Tỉnh…

Các hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử và cổ vũ, động viên, ghi nhận những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tam Nông qua 40 năm xây dựng và phát triển; những thành tựu trong công cuộc tiến công khai hoang, khai thác Đồng Tháp Mười; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương. Đồng thời, tạo khí thế phấn khởi, sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục xây dựng huyện ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Ông Trần Thanh Nam cho biết thêm, khi tái thành lập huyện, hầu như cơ sở hạ tầng chưa có gì đáng kể, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. 40 năm qua, cùng sự hỗ trợ của cấp trên, huyện nỗ lực đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Trong đó, có các bước ngoặt như: đột phá vào lĩnh vực giao thông, thủy lợi, thau chua, rửa phèn, phục vụ đi lại và sản xuất của nhân dân; sau mùa lũ năm 2000, huyện tập trung xây dựng cụm tuyến dân cư để nhân dân “an cư lạc nghiệp”; tăng vụ sản xuất lúa nhờ làm đê bao chống lũ, tiến tới áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả phấn khởi, huyện phấn đấu vào năm 2024 đạt huyện nông thôn mới…

Ngoài cây lúa, huyện còn tập trung phát triển vườn cây ăn trái từ đất lúa, đem lại giá trị kinh tế khá cao, cải thiện thu nhập. Đặc biệt Vườn Quốc gia Tràm Chim trên 7.000 ha thuộc huyện Tam Nông là Khu RamSa thứ 2.000 của thế giới, là nơi lưu giữ, bảo tồn động thực vật quý hiếm vùng ngập nước nhiều tiềm năng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Huyên Tam Nông định hướng quyết tâm biến vùng đất hoang hóa, phèn mặn ngày nào thành niềm tự hào của địa phương và là nơi đáng sống, trải nghiệm sinh thái xanh và thịnh vượng của người dân, doanh nghiệp và du khách theo định hướng quy hoạch của tỉnh Đồng Tháp đề ra. 

Tin liên quan
Tin khác