Ngân hàng - Bảo hiểm
Sau ĐHĐCĐ, ai sẽ ngồi vào "ghế nóng" của Eximbank?
Thùy Vinh - 27/04/2018 17:11
Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018.

Chỉ có 1 ứng viên được bầu vào HĐQT Eximbank đợt này

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Eximbank dự kiến bầu thêm 2 nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020).

Trước đó, Eximbank đã nhận được 4 hồ sơ của 4 ứng viên dự kiến bầu bổ sung, trong đó có 1 hồ sơ ứng viên cập nhật thông tin hồ sơ đã nộp năm 2017. Tuy nhiên, trong số 4 ứng viên ứng cử, Ngân hàng chỉ chọn 1 người là bà Lương Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank được chấp thuận bầu vào HĐQT Eximbank.

Eximbank đã thoát khỏi lỗ lũy kế, nên từ năm 2018 sẽ chia cổ tức cho cổ đông.

Trong tài liệu gửi tới cổ đông hôm nay, Ngân hàng cho biết, ngày hôm qua (26/4) đã nhận được 3 đơn đề nghị của 3 ứng viên về việc không tham gia ứng cử vào HĐQT. Do vậy, Eximbank đề nghị cổ đông bầu cử một mình bà Tú vào HĐQT.

Bà Lương Thị Cẩm Tú là cử nhân ngành quản trị kinh doanh loại ưu năm 2002, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Griggs (Mỹ) và có 17 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.  Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí trọng yếu trong các tổ chức kinh tế lớn và uy tín như: Phó tổng giám đốc thường trực - phụ trách kinh doanh Nam A Bank; Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của MHB; Giám đốc chi nhánh Sacombank; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Đường Ninh Hòa...

Cơ cấu cổ đông của Eximbank theo danh sách công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) là cổ đông lớn nhất với 15% vốn điều lệ, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với gần 8,2% vốn và Quỹ VoF Investment Limited sở hữu 4,97%.

Mới đây, Exmbank tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh, nguyên Tổng giám đốc SeABank từ 25/9/2017, nhưng chỉ giữ chực vụ này 5 tháng, về làm Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank từ ngày 11/4/2018.

Trước đó, ông Vinh là người của Techcombank với nhiều năm gắn bó, từng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở Techcombank, Giám đốc Kinh doanh vùng và sau đó là Phó tổng giám đốc Techcombank.

Một số nguồn tin mà phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu. vn nắm được cho rằng, khả năng ông Nguyễn Cảnh Vinh sẽ ngồi vào vị trí "ghế nóng" Tổng giám đốc Eximbank sau kỳ ĐHĐCĐ lần này.

CEO Eximbank đã có ý kiến với HĐQT tìm kiếm Tổng giám đốc mới

Trả lời cổ đông tại ĐHCĐ sáng nay (27/4), ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết đã có ý kiến với HĐQT về việc HĐQT nên tìm kiếm Tổng giám đốc mới để phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng.

Sau 2 vụ việc mất tiền tại Eximbank và cũng qua giai đoạn xử lý các tồn đọng, ông Lê Văn Quyết đã có nguyện vọng lên HĐQT tìm kiếm nhân sự mới để tiếp tục điều hành Eximbank thời gian tới.

Cụ thể, liên quan đến vụ việc mất tiền của khách hàng xảy ra từ lâu, trong đó vụ ở Đô Lương Nghệ An là từ năm 2010 và vụ liên quan đến bà Bình là từ năm 2012-2014, ông Lê Văn Quyết cho biết, sau các vụ việc, ngân hàng đã tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình và không phát hiện thêm trường hợp nào. Ngân hàng đã cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rui ro, đề nghị khách hàng kiểm tra tiền qua internet banking, mobile banking, SMS banking...

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi Tổng giám đốc Eximbank có nên từ chức hay không? Ông Quyết cho biết, cách đây 2 năm khi được nhận nhiệm vụ, ông đã cam kết sẽ đưa hoạt động ngân hàng trở lại bình thường, và cho đến nay thì nhiệm vụ ấy đã hoàn thành.

Vì thế, ông đã chính thức có ý kiến với HĐQT rằng HĐQT nên tìm kiếm chức tổng giám đốc mới phù hợp với chiến lược của ngân hàng. "Đó là câu trả lời của tôi để các vị cổ đông biết được", ông Quyết nói.

Cũng theo ông Quyết, mục tiêu của Eximbank là tái cấu trúc tài sản và kể từ năm 2018 trở đi, Eximbank sẽ đẩy mạnh phát triển các dịch vụ để tăng thu ngoài lãi. Ông Quyết cho biết, hiện nay các khoản nợ xấu của Eximbank đều được trích theo quy định. Trong tổng nợ xấu Eximbank đã bán cho VAMC thì có 1.200 tỷ đồng trích lập 20%, phần còn lại là trích 10% theo quy định đã được NHNN cho phép. Tổng dự phòng rủi ro của Eximbank trong năm 2018 là 650 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tâm lý của cổ đông Eximbank không khỏi ảnh hưởng, do trong nhiều năm không nhận được cổ tức. Ban lãnh đạo Eximbank cho rằng, sở dĩ trong nhiều năm qua, ngân hàng phải tập trung xử lý nợ xấu nên phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý các tồn đọng và xử lý nợ xấu nên cổ đông cũng phải hy sinh.

Chủ tịch HĐQT Eximbank ông Lê Minh Quốc cho hay, Ngân hàng đã thoát khỏi lỗ lũy kế kể nên từ năm 2018, Eximbank sẽ chia cổ tức cho cổ đông.

Báo cáo tại đại hội, Eximbank cho biết, đã xử lý được hơn 93% kiến nghị của thanh tra. Ngân hàng cho biết, sau khi có kết luận thanh tra ngày 19/10/2015 của cơ quan thanh tra kiến nghị ngân hàng khắc phục một số vấn đề liên quan đến các khoản phải thu hồi từ Eximland và thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát giai đoạn 2013 – 2015 cũng như dự án trụ sở ngân hàng tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm.

Năm 2017, Eximbank đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt các kết quả khả quan.Theo đó, tổng tài sản đến cuối năm 2017 là hơn 149.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016; Huy động vốn đạt hơn 117.000 tỷ đồng, tăng 14,8%: dư nợ cho vay đạt hơn 101.000 tỷ đồng, tăng 16,6%; tỷ lệ nợ xấu 2,27% và lợi nhuận trước thuế 1.018 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2018, ngân hàng sẽ nâng tổng tài sản lên 178.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017; huy động vốn tăng 26% và dư nợ cấp tín dụng tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác