Nếu không nhanh chóng đổi thay, ngành chăn nuôi gà Việt Nam khó có thể tồn tại khi hội nhập sâu. Ảnh: Trần Việt |
Nhập khẩu tăng 855 tấn/tháng
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): 7 tháng đầu năm, tổng số thịt và sản phẩm từ gia cầm làm thực phẩm nhập khẩu là 64.558 tấn trong tổng số 93.404 tấn thịt các loại, tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2014. Phần lớn thịt gà nhập khẩu là đùi gà đông lạnh, khoảng 44.256 tấn.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra so sánh: Trong năm 2014, cả nước nhập khẩu 100.502 tấn thịt gà. Như vậy, tổng số sản phẩm thịt gà nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2015 bằng 64,3% so với cả năm 2014. Tính trung bình, mỗi tháng của năm 2015 nhập khẩu thịt gà tăng hơn 855 tấn so với mỗi tháng của năm 2014.
Tình trạng gà nhập khẩu gia tăng mạnh, đặc biệt là gà Mỹ giá “bèo” chưa tới 20.000 đồng/kg đã đẩy nhiều DN và người chăn nuôi vào cảnh lao đao.
Đại diện một số DN tham gia hội nghị cho rằng, liên tiếp 11 tháng qua, DN luôn trong tình trạng lỗ bởi không cạnh tranh nổi về giá. Tuy nhiên, DN cũng không dám dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi DN đã đầu tư cả dây chuyền, hệ thống máy móc với chi phí lớn nên không thể nói dừng là dừng ngay được.
Theo ông Lê Thanh Phương, Phụ trách chăn nuôi gia cầm của Công ty TNHH Emivest Feedmill, mặc dù DN vẫn cố gắng nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chẳng bao lâu nữa DN cũng không gắng gượng nổi.
Học cách làm của Thái Lan
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cạnh tranh trong ngành chăn nuôi gà ngày càng trở nên gay gắt, đặt ra vấn đề tồn tại hay không tồn tại, nhất là trước làn sóng nhập khẩu thịt từ nhiều nước, đặc biệt là từ Mỹ.
Tuy nhiên, gà Mỹ tràn vào Việt Nam chỉ là khó khăn tình thế. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm nay, chỉ còn vài tháng nữa, các quốc gia trong khối sẽ trở thành một thị trường chung. Lúc đó, gà nội địa còn phải cạnh tranh trực tiếp với gà Thái Lan. Và nếu không nhanh chóng đổi thay cách làm thì rất có thể ngành chăn nuôi gà sẽ thua trên chính “sân nhà”.
“Tôi rất đau đáu vấn đề, Thái Lan ngay cạnh Việt Nam vậy mà trong khi xuất khẩu gà của Thái Lan đạt tới 4 tỷ USD/năm thì Việt Nam vẫn đang loay hoay, lo lắng cho sự tồn tại của ngành. Chúng ta phải đến ngành chăn nuôi gà như của Thái Lan chứ không thể chỉ lo chống đỡ để không sụp đổ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng giao Cục Thú y và Cục Chăn nuôi phối hợp nghiên cứu, tổ chức đi khảo sát xem Thái Lan làm như thế nào về giống, thức ăn, chuồng trại, tổ chức sản xuất và cả hệ thống kinh doanh thương mại... Cái gì hay, phù hợp thì triển khai học tập.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, Thái Lan thành công là bởi đã hình thành được ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gà, trong đó chỉ do 5-6 tập đoàn phụ trách với những chuỗi liên kết hoàn chỉnh trong chăn nuôi gà.
Tại Việt Nam, phải làm sao để có thể khuyến khích việc hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ. “Bộ NN&PTNT có thể kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đứng ra hình thành chuỗi liên kết. Sự hỗ trợ đó có thể là hỗ trợ trong đào tạo ban đầu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...”, vị đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay.