Sau kiểm toán năm 2022, Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu giảm 5,8% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 711,45 tỷ đồng, về 11.557,59 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 96,5% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 144,91 tỷ đồng, về chỉ còn 5,19 tỷ đồng (trước kiểm toán lãi 150,1 tỷ đồng).
Trong đó, biến động mạnh nhất chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm 18,3% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 214,97 tỷ đồng, về 959,54 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của DBC trước và sau kiểm toán. |
Như vậy, sau kiểm toán năm 2022, lợi nhuận Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã “bốc hơi” 96,5%, tương ứng giảm 144,91 tỷ đồng từ 150,1 tỷ đồng về 5,19 tỷ đồng.
Lý giải cho việc lợi nhuận “bốc hơi” 144,9 tỷ đồng, Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho rằng do có sự thay đổi về các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Vì vậy, Công ty đã thực hiện việc điều chỉnh giảm doanh thu và giảm lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bất động sản trên Báo cáo tài chính của Công ty mẹ.
Thực tế, nếu xét về cơ cấu doanh thu, sau kiểm toán, doanh thu chuyển nhượng bất động sản và dịch vụ xây lắp giảm 74,7% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 730,21 tỷ đồng (tương đương với doanh thu sau kiểm toán giảm 711,45 tỷ đồng) về 247,27 tỷ đồng.
Lũy kế trong năm 2022, Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng 6,9% so với cùng kỳ, lên 11.557,59 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 99,4%, tương ứng giảm 824,37 tỷ đồng, về 5,19 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,1% về chỉ còn 8,3%.
Năm 2022, Dabaco Việt Nam đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,8% và 10,7% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận chỉ đạt 5,19 tỷ đồng, Tập đoàn Dabaco Việt Nam chỉ hoàn thành 0,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo giải trình về lợi nhuận lao dốc trong năm 2022, Công ty cho biết năm 2022, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu…
Ngành chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển… tăng mạnh, dịch bệnh trên đàn gia sức gia cầm diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chậm, giá bán thấp khiến người chăn nuôi thu hẹp hoặc dừng sản xuất, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn.
Không trả cổ tức năm 2022
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa công bố thêm tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 22/4 tại Bắc Ninh.
Trong năm 2023, Tập đoàn Dabaco Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 24.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 569 tỷ đồng.
Về chính năm cổ tức, năm 2022, Công ty trình cổ đông kế hoạch không trả cổ tức, lợi nhuận 5,19 tỷ đồng được giữ lại để bổ sung quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Chủ tịch Nguyễn Như So tiếp tục thoái vốn khỏi Dabaco Việt Nam
Trước đó, Dabaco Việt Nam dự kiến nhận chuyển nhượng 900.000 cổ phần, trị giá theo mệnh giá 9 tỷ đồng, tương ứng 3,91% vốn điều lệ của CTCP Chế biến thực phẩm Dabaco.
Điểm đáng lưu ý, bên chuyển nhượng là ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên có giao dịch chú ý của Chủ tịch, ngày 2/11/2022, ông Nguyễn Như So đã bán ra 10 triệu cổ phiếu DBC để giảm sở hữu từ 28,3% về còn 24,16% vốn điều lệ.
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 2/11/2022 là 15.900 đồng/cổ phiếu, ước tính ông So đã thu về số tiền lên tới 159 tỷ đồng.
Thêm nữa, hai người con gái của ông So cũng liên tục bán ra cổ phiếu DBC để giảm sở hữu. Cụ thể, ngày 28/7/2022, bà Nguyễn Thị Tân Hòa đã bán 2 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,05% về còn 2,23% vốn điều lệ; từ ngày 22/8 đến 23/8/2022, bà Nguyễn Thu Hiền đã bán ra toàn bộ 3 triệu cổ phiếu đăng ký để giảm sở hữu từ 2,39% về còn 1,15% vốn điều lệ.
Như vậy, gia đình ông Nguyễn Như So đã bán ra tổng cộng 15 triệu cổ phiếu DBC, tương ứng 6,2% vốn điều lệ tại Dabaco Việt Nam. Thêm nữa, ông Nguyễn Như So tiếp tục bán thêm vốn cổ phần tại đơn vị khác cho Dabaco Việt Nam để thu tiền mặt.
Thông thường, bối cảnh cổ phiếu bán tháo, ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải trấn an cổ đông, và có hành động mua vào đỡ giá cổ phiếu để phát đi tín hiệu cam kết gắn bó với doanh nghiệp, từ đó giúp cổ đông yên tâm nắm giữ cổ phiếu. Tuy nhiên, trường hợp của Dabaco Việt Nam hoàn toàn ngược lại.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, cổ phiếu DBC giảm 100 đồng về 13.800 đồng/cổ phiếu.