Theo South China Morning Post, giá sầu riêng bán tại Trung Quốc - thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới với loại trái cây vua, đã giảm mạnh vào tháng 5 vừa qua, khi Việt Nam vượt mặt Thái Lan trong cuộc cạnh tranh gay gắt về xuất khẩu sầu riêng.
Trên nền tảng mua sắm trực tuyến Pupu, giá một quả sầu riêng nặng 6 kg giảm từ 279 nhân dân tệ xuống còn 179-209 nhân dân tệ (980.000 đồng xuống còn 627.000 - 733.000 đồng).
Zhao Yu, chuyên gia tài chính 37 tuổi sống tại Thượng Hải cho biết tại cửa hàng quen nơi cô hay mua sầu riêng, giá 1kg sầu giảm từ 56 nhân dân tệ xuống 48 nhân dân tệ, (193.000 đồng xuống 168.000 đồng). Mức giá này tất nhiên không ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định mua hàng 2 lần trong một tháng của cô.
“Khi nào hàng về nhiều, giá sẽ giảm. Sầu riêng càng chất đống, bạn càng nhận rõ điều đó”, Zhao nói.
Tại Trung Quốc, cuộc cạnh tranh giành thị phần trong mảng cung ứng sầu riêng đã trở thành cuộc đọ sức giữa hai đối thủ lớn đến từ Đông Nam Á, đó là Việt Nam và Thái Lan. Nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc lớn đến mức nước này liên tục phải nhập khẩu sầu riêng từ bên thứ ba, do sản lượng trong nước quá nhỏ. Sầu riêng được người dân ở đây ưa chuộng, thậm chí còn dùng để tặng quà cưới.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, vào tháng 4/2024, giá nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan là 5,8 USD/kg (147.000 đồng), tăng nhẹ so với mức trung bình là 5,38 USD/kg (137.000 đồng). Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu với giá 4,22 USD/kg (107.000 đồng).
Truyền thông quốc tế đánh giá nắng nóng gay gắt ở Thái Lan vào tháng 4 và tháng 5 đã làm giảm sản lượng thu hoạch sầu riêng của quốc gia này, đồng thời làm sầu riêng bị nứt vỏ hoặc bị khô ở bên trong.
Một doanh nghiệp nhập khẩu trái cây tại Chiết Giang nói rằng một số lô sầu riêng từ Thái Lan đang ở tình trạng “quá nóng”, do đó được định giá thấp hơn giá thị trường.
Dữ liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cũng cho thấy trong 4 tháng đầu năm, sầu riêng Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc đã mất 49% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, Thái Lan vẫn nắm giữ 66% thị phần xuất khẩu sầu riêng trên thị trường Trung Quốc.
Trái ngược với sầu riêng Thái Lan, sầu riêng Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đang tăng rất mạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2024, sầu riêng Việt Nam nhập vào Trung Quốc đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tỷ trọng của sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 39,2%, tăng mạnh so với mức 13,3% của cùng kỳ 2023. Qua đó, giúp Việt Nam giữ vững vị thế là nước cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho thị trường Trung Quốc, và “gặm nhấm” miếng bánh thị phần từ Thái Lan, theo South China Morning Post.
Một nhà tư vấn Thái Lan nói với tờ Bangkok Post rằng dù bỏ qua biến động nhiệt độ, Việt Nam đang hưởng lợi hơn Thái Lan nhờ chi phí sản xuất thấp hơn, đặc biệt là chi phí vận chuyển bằng cách xuất hàng qua đường bộ.
Ông Aat Pisanwanich, cố vấn của Công ty tư vấn nghiên cứu Thông minh Thái Lan, nhận định rằng phía Việt Nam sẽ vào cuộc để chiếm lĩnh thị trường. “Nếu chính phủ Thái Lan không có sự can thiệp, sản lượng sầu riêng Thái Lan sẽ giảm 53% trong 5 năm tới”, ông nói thêm.
Ở một diễn biến khác, vào ngày 11/6, tờ Nikkei Asia cho biết Thái Lan đang tăng tốc kết nối các tuyến đường sắt quốc gia với mạng lưới đường sắt Lào - Trung Quốc. Dự kiến vào cuối tháng 7, tuyến đường sắt Thái - Lào sẽ hoạt động, mở ra cơ hội vận chuyển nhanh hơn cho các nhóm hàng hóa như thực phẩm, sản phẩm theo mùa và các hàng hóa dễ hư hỏng khác, đặc biệt là sầu riêng.
Phía Việt Nam cũng đang tích cực xúc tiến việc ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, có thể trong quý III/2024 sẽ kết ký xong. Khi đó, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong năm nay của Việt Nam sẽ tăng ít nhất là 200 - 300 triệu USD, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.