Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa chuyển công văn của Công ty cổ phần sản xuất Sô Đa Chu Lai về việc giải trình chậm nộp tiền nợ thuế cho Sở Kế hoạch - Đầu tư và Cục Thuế tỉnh để nghiên cứu, tham mưu giải quyết theo thẩm quyền.
Theo đó, doanh nghiệp này đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, chấp thuận phương án lùi việc nộp tiền nợ thuế nhà thầu.
Theo đó, từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, mỗi tháng, Công ty sẽ nộp 2 tỷ đồng; trong tháng 11 và 12/2023, thanh toán hết tiền nợ thuế nhà thầu. Số lãi phát sinh Công ty Sô Đa Chu Lai xin tỉnh Quảng Nam xem xét miễn giảm phần phạt thuế chậm nộp do nhà máy ngừng hoạt động.
Theo Công ty Sô Đa Chu Lai, trong tháng 3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã có văn bản cho phép Công ty Sô Đa Chu Lai được vận hành thử nghiệm, sau khi doanh nghiệp đã sửa chữa thay thế thiết bị, đầu tư khu xử lý nước thải, chất thải rắn và khí theo tiêu chuẩn.
Trong thời gian từ tháng 4/2022, đến hết ngày 6/6/2022 thì doanh nghiệp này đã vận hành thử được 3 đợt sản xuất.
Nhà máy Sô Đa Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam. |
Doanh nghiệp này cho biết, nhà máy phải hoạt động liên tục ít nhất 3 tháng để đảm bảo nâng công suất tối đa. Nhưng do điều kiện Công ty đang thiếu vốn nên không thể cung cấp nguồn nguyên liệu liên tục để vận hành, hoạt động.
Ngoài ra, trong quá trình vận hành chạy máy đã xảy ra sự cố đường điện, dẫn đến nhà máy hoạt động gián đoạn.
Công ty này cũng cho rằng rất khó tuyển dụng lao động có tay nghề cao để vận hành nhà máy và thiếu chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm điều hành nhà máy, dẫn đến cả 3 đợt vận hành sản xuất đều lỗ khoảng 80 tỷ đồng.
Vì những lý do đó, Công ty Sô Đa Chu Lai cho biết, đang rất khó khăn chưa có nguồn thu bù đắp để trả lương cho công nhân và thực hiện trả nợ thuế theo cam kết. Tuy vậy, Công ty này cũng đã nộp một phần tiền thuế, với số tiền 200 triệu đồng vào ngày 1/7/2022.
Ngoài ra, theo lý giải của Công ty Sô Đa Chu Lai, hiện Công ty Sô đa Chu Lai được giao cho Công ty Tân Tiến vận hành Nhà máy Sô Đa Chu Lai. Công ty Tân Tiến là cổ đông chiến lược của Công ty Sô đa Chu Lai. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Hồng Bích - đại diện hướng dẫn vận hành thử nghiệm Nhà máy lại bị bệnh, dẫn đến chậm thực hiện các cam kết và kế hoạch hoạt động sản xuất theo dự kiến.
Nhà máy Sô Đa Chu Lai được Công ty CP Sản xuất Sô Đa Chu Lai xây dựng vào tháng 4/2010 trên diện tích 20 ha tại xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành). Tổng vốn đầu tư của dự án trên 100 triệu USD, công suất thiết kế 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, tháng 6/2015, nhà máy vừa đi vào hoạt động thử nghiệm đã bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường.
Tháng 2/2016, Tổng cục Môi trường thanh tra Nhà máy Sô Đa Chu Lai và phát hiện nhiều sai phạm nên đã ra quyết định xử phạt hơn 730 triệu đồng. Tháng 7/2016, nhà máy tiếp tục bị người dân và đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường bắt quả tang xả thải trực tiếp ra môi trường.
Đến tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động để khắc phục việc gây ô nhiễm. Từ đó, nhà máy dừng hoạt động.
Nhà máy trên có tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ các ngân hàng đã lên đến 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty CP Sản xuất Sô đa Chu Lai còn nợ thuế hơn 70 tỷ đồng; nợ tiền điện hơn 3 tỷ đồng suốt thời gian dài.