Theo thông báo của Aramco, Tập đoàn đã bán ra 3 tỷ cổ phiếu với mức giá 32 Riyal/cổ phiếu, tương đương 8,53 USD/cổ phiếu, thu về khoảng 25,6 tỷ USD.
Với vụ phát hành này, Aramco được định giá ở mức 1.700 tỷ USD, trở thành công ty đại chúng đắt giá nhất thế giới, vị trí trước đó thuộc về Apple với con số 1.150 tỷ USD.
Tuy dẫn đầu câu lạc bộ các doanh nghiệp nghìn tỷ, nhưng thương vụ IPO của Aramco vẫn không thành công như kỳ vọng ban đầu của Ả Rập Xê út.
Trước đó, vương quốc dầu mỏ này kỳ vọng có thể thu về khoảng 29,4 tỷ USD khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Số cổ phiếu được bán ra trong vụ phát hành chiếm 1,5% trong tổng số 200 tỷ cổ phiếu của Aramco.
Chưa kể, năm 2018, Chính phủ Ả Rập Xê út từng dự định bán ra 5% cổ phiếu của Aramco để huy động số vốn lên tới 100 tỷ USD.
Sau khi cân nhắc những địa điểm khác như New York và London, Ả Rập Xê út cuối cùng đã chọn thị trường chứng khoán trong nước để đưa Tập đoàn lên sàn.
Nhằm gia tăng sức hấp dẫn với thương vụ IPO, Aramco đã đưa ra lời hứa trả cổ tức mỗi năm 75 tỷ USD cho đến năm 2024.
Theo dự kiến, cổ phiếu Aramco sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn Tadawul ở Riyadh vào cuối tháng 12 này.
Thời điểm diễn ra thương vụ IPO gần như trùng với phiên họp căng thẳng giữa OPEC và các quốc gia đồng minh về việc cắt giảm sản lượng.
Trong năm qua, việc cắt giảm sản lượng của OPEC đã hỗ trợ giá dầu diễn biến trong khoảng 50 - 75 USD/thùng.
Các quốc gia OPEC và nhóm đồng minh đã bơm hơn 40% sản lượng dầu thế giới và thực hiện cắt giảm sản lượng vào khoảng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 12/2018.
Trong phiên họp cuối tuần trước, các nhà sản xuất dầu dẫn đầu là Ả Rập Xê út và Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong quý I/2020. Như vậy, sản lượng dầu cắt giảm đạt 1,7 triệu thùng/ngày, tương đương 1,7% sản lượng dầu toàn cầu.
Ðây là kết quả không dễ dàng có được sau phiên họp căng thẳng và các bộ trưởng dầu mỏ mới chỉ nhất trí sơ bộ về con số, chưa thống nhất được các chi tiết của thoả thuận phân bổ mức cắt giảm.
Tuy nhiên, con số này không lấy làm ấn tượng với các thành viên thị trường. Theo số liệu ước tính của Bloomberg, sản lượng dầu sản xuất của OPEC đạt 29,7 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2019.
Trong khi đó, OPEC, cùng các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tính toán, OPEC và các đồng minh cần giữ sản lượng ở mức 28 - 29 triệu thùng/ngày để đảm bảo thị trường ở mức cân bằng trong nửa đầu năm 2020.
Theo đó, ngay cả khi mức cắt giảm thêm 500.000 thùng/ngày cũng không tương xứng với tổng quan thị trường và khó có thể ngăn giá dầu đi xuống.
Sở dĩ thị trường “đòi hỏi” mức cắt giảm lớn hơn bởi OPEC và các đồng minh vẫn đang “hưởng lợi” nhờ tình trạng của 3 thành viên là Iran, Libya và Venezuela.
Cụ thể, trong tháng 12/2018, 3 quốc gia này sản xuất khoảng 5,1 triệu thùng/ngày, nhưng hiện tại hoạt động sản xuất bị gián đoạn bởi lệnh cấm vận, xung đột và khủng hoảng kinh tế - chính trị nội bộ.
Theo đó, dù vẫn giữ 600 triệu thùng/ngày không cung cấp ra thị trường cho tới cuối tháng 9/2019, nhưng thực tế sản lượng dầu bán ra của các quốc gia thành viên OPEC tới các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vẫn gia tăng nhẹ trong thời gian này (chưa bao gồm lượng dầu xuất khẩu tới Trung Quốc).