Doanh nghiệp
SCIC: Chuyên nghiệp và bản lĩnh trong vai trò cổ đông lớn
PV - 22/10/2022 14:43
Quản lý phần vốn nhà nước ở hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp đầu ngành, quy mô lớn, cơ cấu cổ đông đa dạng, đòi hỏi năng lực và độ chuyên nghiệp của cổ đông SCIC.

SCIC chỉ đạo sát sao trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp

- Ông Mai Xuân Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex)

Ngay sau khi nhận bàn giao phần vốn nhà nước, SCIC cùng với Seaprodex đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường của Seaprodex vào tháng 10/2018, bầu 3 Thành viên HĐQT là cán bộ SCIC, 1 Phó tổng giám đốc biệt phái làm việc chuyên trách, 1 Thành viên Ban kiểm soát. Tiếp theo đó, HĐQT và Ban điều hành đã quyết liệt kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động, sắp xếp, tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo, chuyên viên tại các phòng, ban tham mưu và các chi nhánh của Seaprodex theo định hướng tinh gọn, hiệu quả,  gắn bó, thân thiện và đoàn kết.

SCIC cũng đã chỉ đạo để thực hiện sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế nội bộ về quản trị của Seaprdex; rà soát và sửa đổi, ban hành các quy chế về quản lý tài chính, quy chế quản lý Người đại diện, quy chế hoạt động của HĐQT… phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản trị của Seaprodex.

Từ những giải pháp quyết liệt để cải thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, định hướng chiến lược phát triển như trên, đồng thời là sự sát sao chỉ đạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Seaprodex đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi lợi nhuận từ lúc chuyển giao đến nay đều có sự tăng trưởng hàng năm và đột biến trong năm 2021 vừa qua.

SCIC giúp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh

- Ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà

Sau khi nhận bàn giao vốn, SCIC đã kịp thời rà soát tình hình hoạt động, nhận diện các vấn đề tồn tại trong hoạt động của Sông Đà, từ đó định hướng, chỉ đạo các mặt hoạt động chính của Sông Đà. Cụ thể, SCIC đã thuê tư vấn độc lập để rà soát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sông Đà làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền.

Kịp thời chỉ đạo rà soát, phê duyệt định hướng chiến lược và kế hoạch hàng năm phục vụ cho công tác quản trị, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh từ Tổng công ty đến các đơn vị có vốn góp của Sông Đà.

Rà soát kế hoạch dòng tiền của Sông Đà, làm cơ sở xây dựng các kịch bản về tài chính, dòng tiền hàng năm. Cùng Sông Đà làm việc với các tổ chức tín dụng cho phép cơ cấu các khoản nợ đến hạn, gia hạn thời gian xử lý tài sản đảm bảo đối với khoản trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2017…

SCIC đã chỉ đạo Người đại diện vốn tại Sông Đà phối hợp với HĐQT và Ban điều hành hoàn thành quyết toán, bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong toàn Tổ hợp Sông Đà, trong đó tập trung tiếp thị đấu thầu xây lắp là lĩnh vực chính của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Làm tốt vai trò kết nối các cổ đông lớn 

- Bà Đào Thị Thúy Hà, Thành viên HĐQT, Phó TGĐ Traphaco

Với mục tiêu giữ vững và phát triển các doanh nghiệp có độ ổn định cao, SCIC giữ vai trò chủ động kết nối các cổ đông lớn, thông qua đó, tìm giải pháp phối hợp với các cổ đông lớn, hài hòa lợi ích các cổ đông để đặt ra mục tiêu đảm bảo cho Traphaco phát triển ổn định lâu dài, có những bước đột phá trong tương lai.

Ở Traphaco, cổ đông lớn là doanh nghiệp dược hàng đầu tại Hàn Quốc có năng lực về nghiên cứu phát triển các thuốc tân dược. Vì vậy, việc phối hợp với cổ đông lớn để xây dựng dự án và chuyển giao công nghệ, tận dụng lợi thế của các bên giúp Traphaco có thể rút ngắn quá trình nghiên cứu phát triển thuốc mới, thuốc tân dược để triển khai tại thị trường Việt Nam.

Trong suốt nhiều năm qua, lãnh đạo SCIC luôn giữ mối quan hệ hợp tác với nhiều cổ đông tổ chức, hài hòa lợi ích để hài hòa mục tiêu của các bên, thống nhất chung một mục tiêu, từ đó giúp Traphaco phát triển tốt nhất, các cổ đông lớn luôn có tiếng nói đồng thuận, doanh nghiệp phát triển.

Công tác tái cơ cấu tại VNsteel có vai trò tích cực của SCIC

 - Ông Nguyễn Đình Phúc, Thành viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel)

Sau khi tiếp nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Công thương về SCIC (tháng 4/2019), SCIC đã tập trung chỉ đạo Người đại diện vốn của SCIC tại VNsteel phối hợp với HĐQT, Ban điều hành VNsteel để triển khai công tác tái cơ cấu tại VNsteel, đặc biệt là hai khoản đầu tư dài hạn có giá trị lớn của VNsteel tại CTCP Gang Thép Thái Nguyên (dự án Tisco 2) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM).

Cụ thể là thực hiện các thủ tục, quy trình kiện toàn nhân sự Người đại diện vốn, HĐQT, Ban giám đốc và Ban kiểm soát VNsteel cũng như tại các đơn vị thành viên quan trọng. Chỉ đạo Người đại diện có ý kiến và phối hợp với HĐQT VNsteel triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho Công ty mẹ và các đơn vị thành viên phù hợp với tình hình thực tế của của ngành thép, có tính đến các yếu tố rủi ro phát sinh gần đây của ngành và vấn đề nội tại của từng đơn vị thành viên.

Bên cạnh việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, VNsteel tiếp tục phối hợp với SCIC (thông qua Người đại diện vốn của SCIC tại VNsteel) đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của VNsteel với các doanh nghiệp cùng ngành. Phối hợp, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thành phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại VNsteel.

Đẩy mạnh tái cơ cấu phần vốn góp của VNsteel tại các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn Dự án Tisco 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Họp bàn trong liên doanh VTM để sớm đi đến thống nhất và phê duyệt Đề án tái cơ cấu VTM, làm cơ sở để VTM có thể hoạt động ổn định lâu dài, mang lại hiệu quả cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác