Tài chính - Chứng khoán
SCIC 'có quyền' gửi ngân hàng nghìn tỷ
- 11/04/2013 06:22
SCIC gửi ngân hàng 19.600 tỷ đồng bị các doanh nghiệp lên án là không thỏa đáng trong bối cảnh đói vốn sản xuất kinh doanh, nhưng Bộ Tài chính cho rằng việc làm này thuộc quyền tự chủ của tổng công ty.
TIN LIÊN QUAN

uổi họp báo thường kỳ quý một của Bộ Tài chính chiều 10/4 nóng với vấn đề sử dụng vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Báo chí trước đó đưa tin, "siêu" tổng công ty ghi nhận khoản tiền gửi ngân hàng 19.600 tỷ đồng trong năm 2012 và đặt ra vấn đề một doanh nghiệp có chức năng đầu tư vốn Nhà nước lại đem nguồn lực đi gửi ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nơi SCIC làm đại diện sở hữu Nhà nước, lại đang thiếu vốn.

Lý giải về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Đặng Quyết Tiến cho biết cần có sự phân biệt về nguồn vốn mà SCIC mang gửi ngân hàng. Cụ thể, Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước được quy định có 2 chức năng chính là đầu tư vốn và quản lý quỹ Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp, có quy mô khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng.


Ngoài lãi ngân hàng, SCIC còn nguồn thu từ cổ tức và việc bán vốn.

Với chức năng thứ 2, SCIC chỉ đóng vai trò người quản lý, và theo quy định, quỹ này có thể được gửi Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng. Toàn bộ số tiền lãi phát sinh trong quá trình gửi này sẽ được hoàn nhập để tăng quỹ và được thể hiện trên số sách kế toán. “Trong trường hợp số tiền gửi ngân hàng nêu trên là tiền từ quỹ thì việc SCIC gửi ngân hàng là không sai. Bộ Tài chính đang yêu cầu tổng công ty có báo cáo rõ ràng đề làm rõ với công luận”, ông cho biết.

Phó cục trưởng Đặng Quyết Tiến cũng lưu ý rằng SCIC là một doanh nghiệp, do đó khi có tiền nhàn rỗi thì việc đầu tiên nghĩ đến là gửi ngân hàng. Riêng về vấn đề đầu tư, ông cho rằng trong điều kiện hiện nay, tổng công ty này cũng cần cân nhắc kỹ. “Nếu đầu tư vốn Nhà nước gây thất thoát, SCIC cũng sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Tiến nói.

Trước đó, báo chí đưa tin SCIC trong năm 2012 thu lãi tiền gửi ngân hàng gần 1.570 tỷ đồng, và tính toán số tiền gửi thực tế có thể lên đến 19.600 tỷ đồng. Đây là một trong 3 nguồn thu chính của Tổng công ty này, bên cạnh cổ tức từ các doanh nghiệp thành viên và bán vốn.

Tại buổi họp báo, vấn đề thoái vốn cũng được đặt ra với Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khi nhiều ý kiến cho rằng quá trình tái cơ cấu đầu tư đang chậm lại do nhiều doanh nghiệp sợ lỗ nên không dám rút vốn. Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, vấn đề này thực chất đã có giải pháp theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, trong trường hợp đánh giá các khoản đầu tư có nguy cơ thua lỗ, các doanh nghiệp cần sớm lập đề án bán vốn. Đề án này sẽ được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ phụ trách thẩm định, trước khi trình Bộ Tài chính cho ý kiến cuối cùng để thực hiện.

Nhật Minh

Tin liên quan
Tin khác