Sức khỏe doanh nghiệp
SCIC khó bán nốt 2,54% vốn tại Machinco
Kỳ Thành - 26/06/2022 15:01
Không chỉ đưa ra mức giá khởi điểm quá cao, đợt thoái vốn tại CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn của SCIC còn gặp khó khi cổ đông lớn nhất đã thâu tóm đủ tỷ lệ chi phối.
SCIC đã không thể bán lô 516.655 cổ phần SMA tại đợt chào bán hồi tháng 4/2022


Giá khởi điểm gấp 1,8 lần thị giá

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo về việc bán đấu giá cả lô 516.655 cổ phần, tương đương tỷ lệ 2,54% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (Machinco, mã SMA - HoSE). Cuộc đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 8/7.

Theo phương án thoái vốn, mức giá khởi điểm cả lô mà SCIC đưa ra là 8,72 tỷ đồng, tương đương 16.868 đồng/cổ phiếu. Mức giá này không thay đổi so với giá khởi điểm được công bố tại đợt chào bán trước đó hồi cuối tháng 3/2022.

Sau khi thông tin trên được công bố cuối tháng 3, giá cổ phiếu SMA đã có nhịp tăng mạnh 5 phiên trần từ mức 10.300 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 28/3) lên 14.300 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 4/4) cùng thanh khoản được cải thiện đáng kể, sau đó giảm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch 22/6, giá cổ phiếu SMA tăng nhẹ 1,21%, lên mức 9.190 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giá mà SCIC đưa ra.

Machinco có thể xem là doanh nghiệp giàu tiềm năng, khi sở hữu Nhà máy Thủy điện Đăk Glun có công suất 18 MW, gồm 2 tổ máy, sản lượng điện theo thiết kế đạt mức 75,81 triệu KWh/năm. Công ty đang đặt kế hoạch tìm đối tác để đầu tư thêm dự án điện năng lượng mặt trời tại Đăk Glun với công suất 49 MW, sản lượng điện 86 triệu KWh/năm.

Giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân của Machinco đạt 332 tỷ đồng và 24,5 tỷ đồng. Năm 2020, Công ty bất ngờ báo lỗ gần 37,8 tỷ đồng, chủ yếu do phải nộp lại số tiền 50 tỷ đồng trong vụ án liên quan đến dự án đầu tư tại khu “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM).

Năm 2021, Machinco ghi nhận doanh thu thuần đạt 81,7 tỷ đồng và lãi sau thuế 21,8 tỷ đồng, tăng lần lượt 10,90% và 157,84% so với năm 2020 nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi, tương đương hệ số lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh/doanh thu thuần lên tới 26,75%.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn đợt chào bán - Công ty cổ phần Chứng khoán Everest, hệ số nợ trên tổng tài sản của Công ty ở mức tương đối cao, nhưng có xu hướng giảm trong năm 2021. Cụ thể, hệ số nợ trên tổng tài sản tại ngày 31/12/2020 là 0,62 lần đã giảm xuống 0,52 lần tại ngày 31/12/2021. “Đây được xem là tín hiệu khá tích cực”, Công ty cổ phần Chứng khoán Everest nhận định.

Ai nắm quyền chi phối Machinco?

Việc thoái nốt 2,54% vốn tại Machinco của SCIC được cho là không dễ dàng. Minh chứng là SCIC đã không thể bán lô cổ phiếu trên tại đợt chào bán hồi tháng 4/2022. Theo giới đầu tư, đợt thoái vốn lần này cũng khó tránh khỏi kịch bản cũ, bởi ngoài vấn đề mức giá khởi điểm đang quá cao so với thị giá, thì với cơ cấu cổ đông hiện nay của Machinco, các nhà đầu tư cũng khó “mặn mà”.

Tính đến ngày 1/4/2022, Machinco có 534 cổ đông (cả cá nhân và tổ chức), trong đó cổ đông lớn duy nhất là Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La hiện nắm giữ 10,59 triệu cổ phiếu SMA, tương đương 52,06% vốn điều lệ. Với tỷ lệ này, Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La có thể quyết định toàn bộ các vấn đề chính của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La mới trở thành cổ đông lớn của Machinco cuối năm 2021, sau khi nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ một số cá nhân. Công ty này có liên quan tới nhóm Công ty cổ phần Đầu tư VSD (VSD Holdings) - cổ đông lớn của Machinco trước khi thoái vốn giữa năm 2020.

VSD Holdings được biết đến là doanh nghiệp của doanh nhân trẻ Vũ Ngọc Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La, con trai đầu của doanh nhân Vũ Văn Đắc - “ông trùm” trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải ở Bắc Ninh.

Đáng chú ý, ông Tú còn có quan hệ mật thiết với ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DNP Holdings (mã DNP - HNX) - nhóm nhà đầu tư nổi lên thời gian gần đây liên quan tới nhiều thương vụ M&A đình đám, trong đó tập trung tái cấu trúc Công ty cổ phần Tasco (HUT) thành một công ty holdings. Cùng với ông Tú, ông Độ cũng tham gia HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La trong vai trò Ủy viên.

Như vậy, nhà đầu tư tiềm năng nhất trong đợt chào bán lô cổ phiếu SMA do SCIC sở hữu hiện nay là cổ đông lớn Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La và nhóm nhà đầu tư họ Vũ. Song với lượng cổ phiếu nắm giữ đã đủ chi phối tại Machinco, sẽ rất khó để nhóm nhà đầu tư này mặn mà với lô cổ phần mà SCIC chào bán.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô tổng tài sản của Machinco đạt 417,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,2% so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả của công ty này đạt 215,7 tỷ đồng, tương đương 51%.
Tin liên quan
Tin khác