NHNN đã tiếp nhận đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng của một số ngân hàng và đang tập hợp xem xét, đánh giá. |
Một số ngân hàng vẫn tăng tín dụng khả quan
Mặc dù 5 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 19,6%, thấp hơn nhiều so với con số 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% năm 2018, song nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng khả quan.
4 tháng đầu năm nay, tín dụng TPBank tăng gần 11%, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân chung của hệ thống. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho hay, với mức tăng này, TPBank đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 11,5% mà NHNN giao. Do đó, TPBank rất mong được NHNN nới room lên 15%.
Không chỉ TPBank, một số ngân hàng khác cũng tăng trưởng tín dụng khá khả quan trong nửa đầu năm nay nhờ đa dạng kênh bán hàng. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, đầu năm, NHNN đặt ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14% - khi dịch bệnh chưa xảy ra. Tuy nhiên, hiện tại, tín dụng tăng trưởng rất thấp.
“Hiện nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm, có ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp, song cũng có ngân hàng tiếp tục tăng trưởng. NHNN đã tiếp nhận đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng của một số ngân hàng và đang tập hợp xem xét, đánh giá. NHNN sẽ điều chỉnh hạn mức tăng tín dụng cho ngân hàng nếu đáp ứng được một số điều kiện như đảm bảo được sức khỏe tài chính, đưa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ…”, bà Hồng nói.
Theo NHNN, hệ thống tổ chức tín dụng chủ yếu hoạt động dựa vào tín dụng, mong muốn có khách hàng vay vốn. Song trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu vay mới chưa nhiều, các doanh nghiệp đang tập trung xử lý các món nợ cũ. Tuy vậy, khi dịch bệnh giảm, nhu cầu tín dụng sẽ tăng. Khi đó, ngành ngân hàng sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho doanh nghiệp, người dân, phục vụ trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường
Theo đánh giá của nhiều ngân hàng thương mại, Covid-19 sẽ còn tác động mạnh tới tín dụng những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nếu đi vào những phân khúc “ngách”, dư địa tăng trưởng vẫn còn. Đơn cử, tại VPBank, tính đến hết tháng 5/2020, tín dụng tăng trưởng 12%. Những tháng đầu năm, bên cạnh mảng chiến lược là tiểu thương, tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bán lẻ…, Ngân hàng tập trung thêm vào mảng trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng sang khách hàng lớn, cho vay mua nhà…
Với các ngân hàng khó tăng trưởng tín dụng, việc đẩy mạnh doanh thu ngoài lãi đang được ưu tiên. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, tỷ trọng thu từ lãi của Sacombank là 66%, thu ngoài lãi là 34%. Tuy vậy, Ngân hàng đang có chiến lược nâng tỷ lệ thu nhập phi tín dụng lên 38%.
Sẽ giảm thêm lãi suất nếu điều kiện thuận lợi
Để tín dụng tăng trưởng nhanh hơn, có ý kiến cho rằng, ngành ngân hàng nên tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực tế, suốt 2 tháng qua, ngành ngân hàng đã giảm khá mạnh lãi suất. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, NHNN đã giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng, giúp mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, bản thân các ngân hàng thương mại cũng tung ra nhiều gói hỗ trợ cho khách hàng.
Bà Hồng cho rằng, giảm thêm lãi suất cho vay là nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp, ngân hàng căn cứ vào tình hình tài chính mà có các mức hỗ trợ khác nhau. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam không phải là cao trong khu vực, thậm chí còn thấp hơn so với một số nước (theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF). Thời gian qua, ngành ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN cũng đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, giảm lương để hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và người dân.
Tính đến ngày 25/5/2020, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224.000 khách hàng với dư nợ gần 152.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Khảo sát của NHNN gần đây cũng cho thấy, hệ thống ngân hàng một số tỉnh có hiện tượng ế vốn, song một số tỉnh lại đang cho vay nhiều hơn huy động. Do đó, NHNN cho biết, đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, cân đối, điều chuyển vốn từ tỉnh thừa sang tỉnh thiếu để cung ứng vốn tốt nhất cho người dân.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho hay, các ngân hàng hiện vẫn phải huy động vốn trong dân với lãi suất khá cao. Huy động vốn 5 tháng đầu năm tăng chậm so với các năm trước khiến ngân hàng càng không thể hạ sâu lãi suất huy động. Trong khi đó, muốn giảm lãi suất cho vay, hạ lãi suất đầu vào là yếu tố quan trọng nhất.
Về phía NHNN, lãnh đạo cơ quan này khẳng định, sẽ điều hành các công cụ duy trì thanh khoản hợp lý, tổ chức tín dụng cung ứng vốn trong trường hợp cần thiết tái cấp vốn để ngân hàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp, người dân.