Tài chính - Chứng khoán
Sẽ phong tỏa hóa đơn các đơn vị trây ì nợ thuế
Mạnh Bôn - 10/07/2015 08:54
“Việc công bố công khai doanh nghiệp, dự án nợ thuế là “vạn bất đắc dĩ”, nhưng nếu sau khi đã công khai mà các doanh nghiệp vẫn tiếp tục trây ì, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp tiếp theo là thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng”, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội khẳng định.

Năm 2015, xem ra ngành thuế Hà Nội khá mạnh tay với nợ đọng thuế, thưa bà?

Thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm của bất cứ cơ quan thuế nào, chứ không riêng gì Hà Nội. Để thu đủ ngân sách theo đúng dự toán, bên cạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, thì chống nợ đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

 

Công khai danh tính doanh nghiệp nợ thuế là một trong những giải pháp khá hữu hiệu trong việc thu hồi nợ đọng. Chính vì vậy, ngay sau khi công bố công khai 23 doanh nghiệp nợ thuế lớn và 15 dự án nợ tiền sử dụng đất (đợt 1), chúng tôi tiếp tục công khai thêm 50 doanh nghiệp nợ thuế lớn và 13 dự án nợ tiền sử dụng đất trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những năm trước đây, rất hiếm khi ngành thuế Hà Nội công bố danh tính doanh nghiệp nợ thuế?

Trước khi công bố danh tính doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật. Trước hết là sẽ trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế tại kho bạc, tổ chức tín dụng, yêu cầu các đơn vị này thực hiện phong tỏa tài khoản. Thực hiện các biện pháp này nếu vẫn không đủ trả nợ thuế, doanh nghiệp vẫn tiếp tục trây ì, thì cơ quan thuế mới tiến hành công bố công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 2014, chúng tôi đã công bố công khai tổng cộng 77 đơn vi nợ thuế. Sau khi công khai, rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động thu xếp tài chính để thanh toán tiền nợ thuế. Còn năm nay, số lượng đơn vị nợ thuế bị công khai nhiều hơn do cơ quan thuế đã áp dụng cả 2 biện pháp cưỡng chế kể trên, nhưng doanh nghiệp, chủ dự án bất động sản vẫn trây ì, chưa thực sự hợp tác trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước.

Nếu bị công bố danh tính mà các đơn vị nợ thuế vẫn cố tình trây ì, thì ngành thuế sẽ làm gì tiếp theo, thưa bà?

Chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi mã số thuế; đình chỉ việc sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động đối với những đơn vị có điều kiện nộp thuế, đã được cơ quan thuế tháo gỡ khó khăn và đã được kéo dài thời gian trả nợ.

Nếu cơ quan thuế đình chỉ sử dụng hóa đơn, thì hành động này không khác gì đẩy doanh nghiệp đến con đường phá sản?

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho phép doanh nghiệp bị đình chỉ hóa đơn do họ tự tạo, tự in, nhưng nếu có nhu cầu được phép sử dụng hóa đơn lẻ do cơ quan thuế cung cấp.

Trong số đơn vị nợ thuế có những đơn vị thực sự gặp khó khăn về tài chính như dự án bất động sản chậm triển khai do công tác giải phóng mặt bằng, sản phẩm làm ra chưa bán được do thị trường bất động sản chưa hết khó khăn… Với những trường hợp này sẽ xử lý thế nào?

Nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn mà chưa được cơ quan thuế phân kỳ trả nợ thì cơ quan thuế xem xét cho nộp dần tiền nợ thuế tối đa 12 tháng, nhưng phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng và vẫn phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày. Trong trường hợp này, tôi nghĩ doanh nghiệp nên cân nhắc vì mức phạt chậm nộp tương đương 1,5%/tháng (18%/năm), cao hơn lãi suất đi vay ngân hàng, nếu cộng thêm số tiền bảo lãnh của tổ chức tín dụng nữa thì khi có nguồn nên ưu tiên để nộp tiền nợ thuế sẽ có lợi hơn giải quyết việc khác.

Tin liên quan
Tin khác