Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. |
Đây là khẳng định của một lãnh đạo Vụ PPP – Bộ GTVT về công tác đàm phán hợp đồng với các liên danh nhà đầu tư được lựa chọn trúng thầu 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được triển khai theo hình thức PPP là các đoạn: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
“Mặc dù vẫn còn một số nội dung vẫn phải tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư hoặc cần phải tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan nhưng về cơ bản công tác đàm phán hợp đồng tại các dự án đang sắp đi đến đích. Các bên tham gia đàm phán đã thống nhất nguyên tắc là ghi nhận những vấn đề này trong hợp đồng, tiếp tục xử lý trong quá trình triển khai”, vị lãnh đạo này cho biết và khẳng định rằng, khả năng rất cao là hai trong số ba dự án sẽ cơ bản kết thúc quá trình đàm phán để tiến tới ký hợp đồng trong ít ngày tới
Vào đầu tuần trước, Bộ GTVT đã có công văn gửi các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng đề nghị các cơ quan này làm rõ một số vấn đề trong quá trình đàm phán hợp đồng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo Bộ GTVT, Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô rất lớn, tiến độ yêu cầu hoàn thành rất gấp, triển khai theo hình thức PPP phức tạp cả về hình thức quản lý và hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh, quá trình quản lý thực hiện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực…trong khi quá trình xây dựng Hồ sơ mời thầu, đàm phán hợp đồng dự án diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật liên quan như: quy định về quản lý chất lượng thi công, bảo trì công trình xây dựng; quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đặc biệt Luật PPP số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020 của Quốc hội mới có hiệu lực, trong khi các Nghị định hướng dẫn Luật PPP còn chưa quy định hết được các tình huống thực tế xảy ra…
Với các khó khăn, vướng mắc như trên, dẫn đến quá trình đàm phán Hợp đồng dự án giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư phát sinh một số nội dung còn chưa thống nhất như: điều kiện chuyển tiếp của Luật PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu; điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án; thanh toán phần vốn Nhà nước; quyết toán dự án; quy định về đền bù do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình, điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công.
Để đảm bảo phù hợp và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, Bộ GTVT đề nghị các Bộ, ngành có ý kiến về các nội dung còn tồn tại, vướng mắc nêu trên. Trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành, Bộ GTVT sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh trong quá trình đàm phán, ký kết Hợp đồng theo quy định.
“Do yêu cầu về tiến độ rất gấp, trường hợp các nội dung chưa thể quyết định ngay hoặc cần thêm thời gian để tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ cùng Nhà đầu tư ghi nhận trong quá trình đàm phán, ký Hợp đồng và tiếp tục cập nhật trong quá trình triển khai thực hiện dự án”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Trước đó, tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và địa phương nơi có dự án đi qua.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành, Bộ GTVT đã báo cáo và được Chính phủ chấp thuận chủ trương dừng hoạt động của Tổ công tác tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 10/2/2021, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến các Bộ, ngành bằng văn bản làm cơ sở thực hiện.